Huyện Krông Pắk (Đắk Lắk): Những bất cập ở công trình chục tỉ
- Pháp luật
- 13:27 - 02/12/2015
Xuất hiện nhiều vết nứt
Để tìm hiểu thực hư, PV đã khảo sát thực tế tại công trình Nhà Văn hóa huyện Krông Pắk (Đắk Lắk). Ghi nhận ban đầu của PV, tường vôi tứ phía tòa nhà chính xuất hiện hàng chục vết nứt chân chim chạy dài rất rõ. Đơn cử như mặt trước, có những vết nứt khiến lớp vôi vữa chỉ cần đưa tay đụng vào là vỡ ra rơi xuống đất làm lộ tường xây bên trong. Tường dọc hàng lang bên trong có dấu hiệu bị thấm nước, rêu mốc mọc xanh. Đặc biệt, tại hạng mục sân khấu của Nhà văn hóa mới được nâng cấp mở rộng, bên ngoài xuất hiện một vết nứt dài từ dưới nền lên tận mái khiến, lớp bê tông không ăn nhập vào nhau.
Hợp đồng trần thạch cao thực chất chỉ có giá một nửa so với giá của nhà thầu nhận lại.
Tìm hiểu tổng thể công trình gần như chỗ nào cũng có vết nứt, bong tróc, thấm nước vào bên trong, khiến cho công trình này dù mới đi vào sử dụng nhưng chẳng khác nào công trình cũ.
Có dấu hiệu rút ruột công trình
Một nguồn tin cung cấp, hạng mục trần tòa nhà được làm bằng thạch cao bị rút ruột một cách nghiêm trọng. Số liệu PV nắm được, toàn bộ trần tòa nhà có diện tích hơn 780m2, theo thiết kế làm bằng thạch cao đơn giá 780.000 đồng/m2 (mức giá đã hoàn tất mọi công đoạn). Tổng mức đầu tư thi công hạng mục trần nhà hơn 600 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công đơn vị thầu chính đã hợp đồng với một cơ sở đóng trần thạch cao ở huyện Krông Pắk với giá chỉ còn một nửa. Cụ thể, đối với trần tiêu âm trong khán phòng, mức giá chỉ 400.000 đồng/m2, còn phần đóng trần chỉ nổi bên ngoài khán phòng mức giá chỉ 160.000 đồng/m2.
Một người nhận thầu cho biết: “Chủ đầu tư hợp đồng với mức giá thấp hơn một nửa, chúng tôi buộc phải lấy trần thạch cao thường gia công đục lỗ làm thành trần tiêu âm bên trong. Nếu không làm như vậy, chúng tôi sẽ không có một đồng lời”.
Cơ quan chức năng không biết?
Làm việc với Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Krông Pắk về những bất cập trên, kỹ sư Nguyễn Đình Hưng (nhân viên kỹ thuật, người được giao giám sát công trình) cho biết, việc xuất hiện các vết nứt chân chim quanh tường nhà văn hóa là do công nhân trộn hồ sệt, sau khi tô trét hồ rút nước khiến xảy ra vết nứt. Theo kỹ sư Hưng, các vết nứt này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Việc bên trong hành lang, trần nhà xuất hiện thấm nước, rêu mốc, kỹ sư Hưng cho rằng công trình được nâng cấp, cải tạo dựa trên khung nhà cũ. Một số ống hệ thống thoát nước cũ vẫn được giữ lại, dù đơn vị thi công đã xử lý kỹ thuật kỹ lưỡng nhưng không tránh được việc thấm nước. Còn dọc hành lang xuất hiện rêu mốc, có khả năng do đơn vị sử dụng bất cẩn không đóng cửa khiến nước mưa tạt vào thấm gây mốc. Nói về vết đứt gãy ở hạng mục mở rộng khán đài, kỹ sư Hưng cho biết, do đây là hai khối nhà được thiết kế độc lập. Vết nứt giữa hai khối nhà là khe nứt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Trần thạch cao của công trình nghi bị rút ruột.
Về hạng mục trần nhà bị rút ruột, theo kỹ sư Hưng việc thi công, mua nguyên liệu được giám sát rất chặt chẽ nên sẽ không có việc ăn bớt, làm sai thiết kế. Còn việc đơn vị thầu chính hợp đồng với bên thứ 2 thi công hạng mục này với giá thấp hơn một nửa anh hoàn toàn không biết.
“Công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa quyết toán. Việc có chênh lệch đơn giá hay không phải chờ kết quả từ hội đồng thẩm định” – kỹ sư Hưng cho hay.