THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:59

Huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay nhờ chính sách phù hợp

Thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi”, huyện Cẩm Thủy đã thành lập tổ giúp việc gồm 12 thành viên, phân công các đồng chí trong Thường vụ phụ trách cụm, các đồng chí chấp hành phụ trách điểm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 09 ở từng đơn vị.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Thủy đã thành lập các đoàn giám sát của cấp ủy do Thường trực Huyện ủy chủ trì, tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09 ở các xã có đồng bào DTTS sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo cao, từ đó giúp các xã từng bước nâng cao đời sống người dân, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo.

Nhưng để Nghị quyết 09 đi vào thực tiễn, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào trên hệ thống loa truyền thanh ở các xã, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố tham gia, hưởng ứng công tác xóa đói giảm nghèo bằng cách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, thực hiện tốt biện pháp thâm canh tăng vụ, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao mức sống, thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS.

Theo thống kê của UBND huyện Cẩm Thủy, từ năm 2017 đến nay, lĩnh vực phát triển nông nghiệp ở những nơi có đồng bào DTTS sinh sống có bước phát triển đáng kể, nhiều mô hình, loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng trên địa bàn. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt ngày càng tăng, thực hiện chuyển đổi được 538,7 ha đất 1 vụ lúa mùa sang trồng mía nguyên liệu, mía tím, mía ép, ngô lấy hạt, ngô làm thức ăn chăn nuôi. Nhiều diện tích đất 2 vụ lúa, đất bãi ven sông của đồng bào DTTS được chuyển sang trồng rau màu các loại cho thu nhập cao từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Bước đầu đã có một số loại cây trồng phát triển với quy mô, diện tích lớn, sản xuất ổn định như cây mía nguyên liệu diện tích từ 2.000 - 2.500 ha/năm; cây mía đỏ diện tích 70 - 80 ha; cây mía nước ép từ 50 - 80 ha; cây ngô diện tích gieo trồng hằng năm từ 4.700 - 5.700 ha; vùng sản xuất rau tập trung diện tích 15 ha; củ đậu 200 ha...

Ngoài ra, đồng bào DTTS các xã còn phát triển một số mô hình mới như: Mô hình trồng khoai mán vàng ở đất đồi thấp, khoai sọ đất ruộng ở xã Cẩm Thạch, Cẩm Tân; trồng sắn dây đất chân đồi, đất bãi xã Cẩm Phú, Cẩm Châu, Cẩm Long, Cẩm Tân; trồng ngô biến đổi gen ở xã Cẩm Yên, Cẩm Châu; trồng lúa nếp hạt cau ở xã Cẩm Lương; trồng cỏ ngọt đất bãi xã Cẩm Bình; trồng nghệ vàng ở xã Cẩm Quý và Cẩm Phú; trồng cây ăn quả xã Cẩm Tú và Phúc Do đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh phát triển kinh tế thông qua trồng trọt, Cẩm Thủy còn hướng dẫn, mỏ lớp tập huấn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đồng bào các DTTS phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với từng vùng miền trên địa bàn; khuyến khích đồng bào có điều kiện đầu tư xây dựng các trang trại có quy mô vừa và lớn để thu hút lao động tại chỗ, tạo việc làm ổn định. Nhờ đó, đến nay, huyện Cẩm Thủy đã xây dựng 9 trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô từ 500 - 600 con lợn/lứa, đưa trang trại quy mô 900 con vào sản xuất, mô hình chăn nuôi bò cái nền thụ tinh nhân tạo tại xã Cẩm Tú, tạo việc làm cho nhiều đồng bào DTTS có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Trước những kết quả đã được trong công tác giảm nghèo của đồng bào DTTS, ông Trần Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy nhấn mạnh: Để có được kết quả trên, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận đồng đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ trợ tiền điện cho hộ nghèo, có đối tượng bảo trợ xã hội không thuộc hộ nghèo, hỗ trợ gạo cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo trong thời kỳ giáp hạt và dịp tết. Thực hiện chính sách dân tộc, chính sách vay vốn theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg đối với DTTS; chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về chính sách đối với người có uy tín ở làng bản; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS theo Quyết định 755/QĐ-TTg; chương trình 135 hỗ trợ thôn, xã đặc biệt khó khăn xây dựng nhiều công trình, hỗ trợ sản xuất giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững".

Trường Giang

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh