THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:03

Phú Thọ: Bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, việc phát hiện, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát hiện những giá trị mới về văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số vẫn luôn được coi trọng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn và phát triển. Di sản văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú như: Tiếng nói, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, các lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ… Trong đời sống hiện đại ngày nay, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào DTTS đã bị mai một do các yếu tố tác động tiêu cực. Trước thực trạng này, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.

Huyện Thanh Sơn đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60% dân số; trong đó, đa số là đồng bào Mường. Huyện đã triển khai có hiệu quả “Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025”. Sau 4 năm thực hiện, đã thành lập 126 CLB văn hóa dân tộc Mường tại 19/23 xã, thị trấn, khu dân cư và trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng; 123 bộ nhạc cụ khác; 1.268 bộ trang phục; 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng và nhiều đồ dùng công cụ, lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường. Huyện đã triển khai Đề án “Tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025” để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.

Mô hình Trường học gắn với văn hóa truyền thống địa phương - không gian văn hóa Mường tại Trường Tiểu học Tân Sơn

Mô hình "Trường học gắn với văn hóa truyền thống địa phương - không gian văn hóa Mường" tại Trường Tiểu học Tân Sơn

Là xã được chọn tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, Khả Cửu hiện còn lưu giữ được những ngôi nhà sàn, dụng cụ lao động sản xuất, điển hình như cọn nước, vật dụng sinh hoạt, khung cửi, văn hóa ẩm thực hay những điệu hát Rang, hát Ví, múa Mỡi, phong tục, tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa Mường... Chủ tịch UBND xã Khả Cửu Bùi Ngọc Hà cho biết: Để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, năm 2018, xã đã thành lập 16 CLB văn hóa dân tộc Mường, mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy, đồng thời đưa di sản vào giới thiệu trong các hoạt động ngoài giờ ở trường học. Các CLB văn hóa dân tộc Mường trong xã hoạt động hiệu quả góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Khả Cửu.

Yên Lập là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống trong đó đồng bào Mường, Dao, Mông chiếm gần 80% dân số. Trên địa bàn huyện còn lưu giữ  và phục dựng được các di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ hội mở cửa rừng, múa trống đu, múa sênh tiền của dân tộc Mường; múa chuông, múa rùa, lễ cúng Bàn Vương của người Dao... trong đó có hai di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là Lễ Cấp sắc của người Dao quần chẹt xã Xuân Thủy và Tết nhảy của người Dao quần chẹt huyện Yên Lập. Huyện cũng có hai nghệ nhân người dân tộc Mường được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” là nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hoạch xã Đồng Thịnh và Nguyễn Đình Thưởng xã Ngọc Đồng. Ông Dương Đức Toàn ở khu 12, xã Xuân Thủy chia sẻ: Cùng với dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao cho người dân trong và ngoài xã, tôi còn tìm hiểu, nghiên cứu, ghi chép lại những phong tục tập quán, trình tự các nghi lễ bằng chữ viết của người Dao để truyền dạy cho thế hệ trẻ với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế và từng giai đoạn. Khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc đang có nguy cơ mai một. 

Cùng với những chính sách về bảo tồn, tỉnh Phú Thọ cũng có những chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; xây dựng, thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi những người có uy tín trong cộng đồng, nghệ nhân, già làng, trưởng bản… những người có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, để nâng cao hơn nữa việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đặc biệt, việc nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị các trò chơi, trò diễn, lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Qua đó, góp phần “đánh thức” truyền thống văn hóa bản làng, cũng như gìn giữ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh