Huyện Anh Sơn (Nghệ An): “Cát tặc” lộng hành trên sông Lam
- Pháp luật
- 17:55 - 12/07/2016
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại xóm 2 và xóm 5 (xã Đỉnh Sơn) khu vực nằm sát bên bờ sông Lam. Tại khu vực xóm 5, chúng tôi men theo con đường nhỏ nằm ngay phía sau nhà máy đường sông Lam để tiếp cận hiện trường. Mới đến đầu đoạn đường, chúng tôi đã ghi nhận hiện tượng sạt lở đất ven bờ sông Lam rất nghiêm trọng. Mặt đất xuất hiện nhiều vết nứt tương đối lớn, có vết nứt chạy dài lên đến gần 100 mét. Nhiều nơi còn xuất hiện nhiều hố “tử thần” có chiều dài gần 20 mét, chiều sâu lên đến khoảng 5 mét, đây là dấu tích để lại do hậu quả sạt lở đất ven bờ sông tại khu vực này. Thông tin mà PV thu thập được, theo người dân nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở đất trên là do nạn khai thác cát trái phép đang diễn ra trên địa bàn.
Hiện tượng sạt lở đất ven bờ sông Lam (tại xóm 2 và xóm 5, xã Đỉnh Sơn) do “cát tặc” để lại.
Ông Lan, người dân ở xóm 2, xã Đỉnh Sơn, bức xúc: “Trước đây, cả bãi đất trống này là chỗ người dân chúng tôi trồng hoa màu. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây trên địa bàn xuất hiện nhiều tàu thuyền khai thác cát ngay ven bờ sông này, dẫn tới tình trạng sạt lở đất. Ban đầu chỉ là những vết nứt nhỏ, rồi xuất hiện những vết nứt lớn. Mùa mưa bão đến, diện tích đất trồng hoa màu của người dân bị dòng nước cuốn trôi, chúng tôi cũng đã phản ánh lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa thấy lực lượng chức năng can thiệp, không biết rồi đây hết đất lấy chi sản xuất”. Cũng theo người dân cho biết, hiện tượng sạt lở đất tại địa phương đã diễn ra nhiều năm nay, dọc bờ sông Lam đoạn đi qua xã Đỉnh Sơn đều xảy ra hiện tượng sạt lở, khiến người dân vô cùng bức xúc và đã phản ánh nhiều lần. Tuy nhiên, trên địa bàn lại xuất hiện ngày càng nhiều những thuyền, tàu hút cát hơn. Phạm vi khai thác của “cát tặc” cũng được mở rộng hơn, giờ đây “cát tặc” không chỉ khai thác ven bờ sông mà còn nạo hút ngay giữa lòng sông Lam.
Được biết, tại dọc bờ sông trước đây là nơi trồng mía, ngô, sắn của người dân xóm 2 và xóm 5 (xã Đỉnh Sơn). Tuy nhiên, do tình trạng khai thác cát diễn ra trong thời gian dài nên nhiều nơi đã bị sạt lở nghiêm trọng, kèm theo hàng loạt hố sâu là những bãi đất trống nhỏ nằm chênh vênh bên dòng nước, những bãi đất đó có thể bị “hà bá” nuốt chửng bất cứ lúc nào. Được biết, hầu hết các thuyền, tàu khai thác cát, sỏi trên địa bàn xã Đỉnh Sơn đều không được cấp phép. Thế nhưng, tình trạng khai thác cát dẫn đến sạt lở đất rộng hàng chục mét khiến người dân lo lắng.
Thiết nghĩ, với thực trạng khai thác cát “chui” đang diễn ra tại xóm 2 và xóm 5 (xã Đỉnh Sơn) không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, mà còn khiến môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ mất đất canh tác của người dân là rất cao. Trước thực trạng trên đề nghị các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan, trước hết là UBND huyện Anh Sơn cần nhanh chóng kiểm tra, xử lý thực trạng khai thác cát trên địa bàn xã Đỉnh Sơn; tránh gây bức xúc trong dư luận.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhật, Trưởng công an xã Đỉnh Sơn cho biết: “Hiện tượng sạt lở là do thay đổi dòng chảy. Còn khai thác cát như người dân phản ánh là không có cơ sở. Sắp tới xã sẽ tiến hành kè chống sạt lở toàn bộ khu vực đó”.