Vĩnh Phúc “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp khai thác cát trái phép ở Hà Nội?
- Pháp luật
- 19:12 - 20/06/2016
Tỉnh cấp phép sai, doanh nghiệp ngang nhiên “tận thu” cát?
Phản ánh đến báo Gia đình Việt Nam, người dân ở xã Phương Độ (Phúc Thọ, Hà Nội) bức xúc trước nạn khai thác cát trên sông Hồng, qua địa bàn Hà Nội gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của họ. Sở dĩ doanh nghiệp ngang nhiên khai thác cát như thế là do UBND tỉnh Vĩnh Phúc “bật đèn xanh”.
Theo phản ánh, đơn vị khai thác cát đó là công ty cổ phần TMS Khoáng Sản và Vật liệu xây dựng (Sau đây gọi là Công ty TMS). Đây là công ty có trụ sở ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và được tỉnh này cấp phép mỏ khai thác cát ở xã Đại Tự, xã Hồng Châu, xã Trung Kiên (huyện Yên Lạc) và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Thế nhưng, trong quá trình cấp phép khai thác khoáng sản, không biết vô tình hay hữu ý mà tỉnh Vĩnh Phúc cấp “chồng lấn” sang địa giới hành chính huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Và khi đã có “tấm bình phong” đó, doanh nghiệp được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép đã ngang nhiên khai thác cát một cách “trắng trợn”.
Dựa vào giấy phép khai thác khoáng sản số 374/GP-UBND mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp, công ty TMS đã ngang nhiên khai thác cát ở địa bàn Hà Nội
Theo tìm hiểu của phóng viên, giấy phép khai thác khoáng sản số 374/GP-UBND mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho công ty TMS được ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch tỉnh ký ngày 10/02/2015. Khi có giấy phép này, công ty TMS khai thác cát và đã khiến cho người dân, cũng như cơ quan chức năng ở địa bàn Hà Nội bức xúc.
Ông Đặng Văn Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ cho biết: “Trước khi khai thác, công ty TMS đưa hồ sơ sang nói với chúng tôi là họ được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép. Nhưng khi nhìn vào hồ sơ thiết kế chúng tôi nhận thấy là có vấn đề. Sau đó, chúng tôi tiến hành rà soát lại ranh giới, tọa độ các mốc khu vực khai thác cát theo giấy phép UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp cho công ty TMS. Khi đối chiếu với hồ sơ địa chính trước đó, chúng tôi thấy rằng ranh giới tọa độ các mốc khu vực khai thác cát do Công ty TMS cung cấp có các mốc nằm hoàn toàn trong địa giới hành chính của huyện Phúc Thọ, Hà Nội”.
UBND huyện Phúc Thọ đã gửi văn bản đề nghị Công ty TMS ngừng ngay việc khai thác cát tại khu I và khu IV
Trước thực tế đó, ngày 29/5/2015 Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ ra văn bản số 421/UBND-TNMT gửi Ủy ban nhân dân TP Hà Nội; Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TMS về việc đề nghị đình chỉ việc khai thác cát của công ty TMS tại mỏ cát Đại Tự, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Văn bản nêu rõ: Khu vực I và khu vực IV trong giấy phép 374/GP-UBND ngày 10/2/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp có cả phần diện tích thuộc địa bàn xã Phương Độ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Hiện tại các hộ dân xã Phương Độ vẫn đang trồng ngô và đồng cỏ chăn nuôi nhưng công ty TMS đang khai thác cát bằng tàu Cuốc, vị trí khai thác trên sông Hồng thuộc địa phận của xã Phương Độ.
“Trong khi chờ kết luận của UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Phúc Thọ đề nghị Công ty TMS ngừng ngay việc khai thác cát tại khu I và khu IV”- Văn bản thể hiện rõ.
Tình trạng đất nông nghiệp của người dân bị sạt lở nghiêm trọng ở địa bàn xã Phương Độ
Trước tình hình đó, ngày 08/6/2015, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc khai thác cát của công ty TMS. Văn bản nêu rõ: “Trong thời gian giữa hai tỉnh và các cơ quan chức năng xác định, làm rõ địa giới hành chính hai tỉnh theo văn bản của UBND huyện Phúc Thọ, yêu cầu Công ty TMS điều chỉnh kế hoạch khai thác…”.
Đến ngày 28/12/2015, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có tờ trình gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc điều chỉnh (Giấy phép số 374/GP-UBND ngày 10/2/2015) diện tích, trữ lượng, công suất khai thác cát Sông Hồng(khoáng sản làm VLXD TT) của công ty TMS tại điểm mỏ xã Đại Tự, xã Hồng Châu, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 1312/QĐ-UBND về điều chỉnh giấy phép số 374/GP-UBND
Ngay sau đó, ngày 11/4/2016 UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định số 1312/QĐ-UBND về điều chỉnh giấy phép số 374/GP-UBND ngày 10/2/2015 về việc khai thác cát Sông Hồng cho công ty TMS. Lý do điều chỉnh nhằm đảm bảo phạm vi, ranh giới khai thác nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc (không chồng lấn sang địa giới hành chính TP Hà Nội).
Cần khắc phục việc “lập lờ, đánh lận con đen”!
Có thể nói, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc khắc phục sai sót cấp phép chồng lấn bằng cách điều chỉnh giấy phép như trên, thực sự là đáng ghi nhận. Nhưng điều đáng nói, dù việc phân chia địa giới đã được xác định, song người dân ở đây đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ nạn khai thác cát trước đó.
Ông Ngô Xuân Cường, một người dân được UBND huyện Phúc Thọ cho phép thực hiện dự án làm kinh tế trang trại cho biết: “Khi được giao đất tôi đã tiến hành đầu tư thời gian, công sức, tài chính vào rào cột bê tông để tiện việc quản lý. Vậy mà, công ty TMS đã ngang nhiên cho máy móc vào hất đổ toàn bộ các cột bê tông, đồng thời hiên ngang khai thác cát ở phần đất của tôi. Khi tôi thắc mắc họ trình giấy phép khái thác cát mà tỉnh Vĩnh Phúc cấp trên toàn bộ diện tích dự án của tôi”.
Đất canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng
Ông Cường cho biết thêm: “Chính việc lợi dụng cấp phép của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, công ty TMS đã đưa tàu Cuốc vào khai thác sát bờ sông làm sạt lở, biến dạng và hủy hoại đất nông nghiệp của người dân nghiêm trọng. Hiện nay tôi không thể sản xuất canh tác do hàng rào đã bị công ty TMS phá bỏ, thế trận an ninh trật tự không được đảm bảo, đát canh tác cũng bị hủy hoại…”.
Nhiều người dân ở đây còn thắc mắc, giờ việc xác định ranh giới chống lần giữa hai tỉnh đã rõ, vậy tại sao cơ quan chức năng vẫn không tiến hành đi cắm mốc để người dân có cơ sở bảo vệ, xây dựng thế trận an ninh và yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh theo phép luật.
Tàu khai thác cát vẫn còn neo đậu ở trên sông
“Cuộc sống người dân bao lâu nay chỉ biết trông chờ vào từng thước ruộng. Vậy mà một số tổ chức, cá nhân lợi dụng ban đêm để tiến hành hút cát trái phép làm ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác. Hiện tại vẫn còn tàu neo đậu ở trên sông, liệu ai giám chắc là họ không khai thác “chui”. Giờ chúng tôi chỉ mong, cơ quan hai tỉnh sớm cắm mốc giới cho rõ ràng, tránh trường hợp “đánh lận con đen” như thời gian qua”- nhiều người dân cho hay.
Trước sự việc trên, Báo Gia đình Việt Nam đề nghị UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Vĩnh Phúc sớm nhanh chóng vào cuộc phối hợp với nhau để cắm móc ranh giới hành chính và diện tích giao cho đơn vị thầu. Đồng thời có biện pháp cứu lấy những thửa đất canh tác nông nghiệp dọc bờ sông để giúp người dân yên tâm canh tác, phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo phòng TNMT huyện Phúc Thọ cho biết, việc khai thác cát của công ty TMS thời gian qua là sai quy định. Đặc biệt, công ty này chỉ được cấp phép khai thác ở điểm cạn nhưng họ đã ngang nhiên đưa máy móc khai thác ở dưới sông Hồng. Việc khai thác cát trái phép đó kéo theo nhiều hệ lũy. Vậy việc này sẽ xử lý thế nào? Liệu có việc trốn thuế hay không?
Bạn đọc có thông tin, đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo xin vui lòng gọi qua số ĐIỆN THOẠI ĐƯỜNG DÂY NÓNG: 098.127.6789 hoặc Email: [email protected] |