THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:08

Hướng về đất nước với lòng tự tôn dân tộc

Từ những buổi đầu sơ khai

Trước khi bức tường Berlin sụp đổ, hoạt động báo chí ở Đông Đức chỉ đơn độc một bản tin Quê Hương của Sứ quán Việt Nam. Đó là một tập photo lấy thông tin ở báo chí trong nước, đôi khi kèm theo dăm bài thơ ngắn, hay một bài viết văn xuôi của các em sinh viên. Nhưng từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ thì hoạt động báo chí trong cộng đồng người Việt sôi nổi cả phía Tây và phía Đông.

Hoạt động báo chí văn học được tính đếm, chỉ có sau khi bức tường Berlin sụp đổ, đặc biệt là những tờ báo có tính nghiên cứu, sáng tác chuyên ngành về văn học và nghệ thuật. Đó là sự xuất hiện của tạp chí Đối Thoại ngay tại Đông Berlin, nơi mà người Việt quần tụ đông nhất, có sự tham gia của một số nhà văn  chuyên nghiệp từ Việt Nam và ngoài nước Đức. Đối Thoại thực sự gây bất ngờ cho ai quan tâm tới văn học. Nó khá nghiêm túc và cởi mở khi bàn tới các tác phẩm trong nước và các tác phẩm biên dịch ngoài nước. Tiến sĩ ngôn ngữ Trương Hồng Quang với kiến thức sâu rộng và sắc sảo là linh hồn chính của Đối Thoại. Đối Thoại được sự giúp đỡ về tài chính của Quỹ phát triển văn hóa tại Đức, nhưng nó ít bạn đọc vì không hướng tới công chúng bình dân, nên Đối thoại đã không sống lâu dài.

Báo mạng nguoiviet.de

Bốn năm sau, Lê Trọng Phương (người mà nhà văn Ngô Tự Lập đặt cho biệt danh Phương Tóc Rối vì dáng vóc và mái đầu rất nghệ sĩ của anh) khởi lên từ Bonn, thủ phủ cũ của Tây Đức, làm Gió Đông, cũng là giai phẩm văn chương nghệ thuật. Tạp chí văn chương này có chất lượng khi có sự  cộng tác của khá nhiều nhà văn, nhà thơ, những ngọn bút cứng từ trong và ngoài nước, nhưng cũng chỉ ra được 4 số (số 5 chỉ hoàn thiện trên bàn tính) rồi đình bản. Lê Trọng Phương-chủ bút một mình này thực là người say mê với văn học chữ Việt và tiêu tốn biết bao tâm trí, vét cạn sạch tiền túi cho ngọn Gió Đông. Gió Đông không tới được đích của cơn mơ dài hai năm “làm một tiếng nói riêng ở châu Âu, tách khỏi ảnh hưởng ngọn gió phía Tây từ nước Mỹ của văn học người Việt bấy giờ như Hợp Lưu, Văn, Văn Học đang tràn sang“. Gió Đông tắt ngấm sau cơn gió số 5 chỉ xong phần báo điện tử. Cũng như Đối Thoại, các báo chuyên ngành đều thiếu sự liên hệ trực tiếp rộng rãi của bạn đọc bình dân, vốn đông đảo tại phía Đông.

Sự thất bại của hai chuyên san văn học nói trên ở Đức trở thành bài học kinh nghiệm cho hoạt động báo chí người Việt tại Đức: Báo chí văn học nếu trong một cộng đồng nhỏ thì không thể thiếu những điều công chúng đòi hỏi thiết thân với đời sống mưu sinh của họ.

Thực ra trước đó, ở Tây Đức còn có tờ Viên Giác phục vụ bà con phía Tây và Hannover. Viên Giác với danh nghĩa một tờ báo nhuốm màu tôn giáo có chính kiến chính trị phức tạp.

Cần kể thêm rằng trong vòng 3- 4 năm sau khi bức tường đổ còn có hoạt động gọi là báo chí mà đại đa số do một người hay hai người làm. Chúng chỉ là  tập giấy A4 photo và chủ yếu sinh ra nhanh và chết cũng nhanh do không có bạn đọc. Đại đa số người Việt không quan tâm tới loại gọi là báo chí này.

Báo chí Việt Nam tại Đức qua những năm tháng sơ khai thoạt kỳ thủy vài nét như trên, hoạt động báo chí giờ đây đã khác hẳn.

Thời báo Việt Dức số 1 (tháng 5/2003)

Ngày càng thiết thực hơn với đời sống kiều bào

Trong khoảng hơn chục năm gần đây nhiều tờ báo gần và đúng chuyên nghiệp, đúng nghĩa với hai từ báo chí hơn xuất hiện.

Điển hình nhất là tờ Thời báo Việt Đức tại thành phố Leipzig, nơi có đông dân Việt Nam. Thời báo Việt Đức do tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương, nguyên giáo viên Đại học Thương nghiệp Hà Nội sang lập nghiệp tại Đức. Nghề chính của anh là kinh doanh, nhưng lại yêu báo chí truyền thông. Bắt đầu từ tháng 5/2003 anh là người sáng lập ra và kiêm làm chủ bút. Phương tập hợp thư kí tòa soạn là nhà báo chuyên nghiệp từ Việt Nam sang lao động, mời các chuyên gia văn học chính danh giúp đỡ, anh biết cách tận dụng lực lượng sinh viên trẻ nhiệt tình và giỏi trong đội ngũ dịch các văn bản Đức. Nguyễn Sỹ Phương dạy kinh tế và luật kinh tế nên anh hoạch định ra một kế hoạch rất sát với thực tế nhu cầu bạn đọc. Đây là tờ báo chính danh đầu tiên ở phía Đông sau Gió ĐôngĐối thoại... có đăng kí mã số quốc tế, có đăng kí sở thuế tại Đức...Thời báo Việt Đức tóm lược những tin ngắn nhất trong nước, nó chú trọng vào nhu cầu cấp thiết là sự hiểu biết về luật ngoại kiều (cư trú) luật buôn bán, các cách thức khai thuế, những kinh nghiệm thành bại do thiếu hiểu biết của người Việt tại Đức v.v...tức là tất cả điều gì người Việt có thể hòa nhập tốt hơn trong sự mưu sinh ở Đức. Do vậy nó có sự hưởng ứng đông đảo bạn đọc người Việt từ Đông sang Tây và là tờ báo giấy hợp pháp, tự nuôi mình có lãi sau một năm từ khi khởi nghiệp. Tôi đánh giá cao cách làm việc của tờ báo này, nó giúp cho sự hòa nhập của cộng đồng Việt 12 năm nay. Cho tới nay tờ báo này còn có phụ trương song ngữ Đức- Việt phục vụ quảng cáo làm thành cầu nối liên doanh  giữa người Đức và người Việt tại Đức, đó cũng là một kênh nhỏ cho việc đầu tư của người Đức về Việt Nam và ngược lại. Trao đổi với tôi, Nguyễn Sỹ Phương cho biết, anh đang có phương án mở rộng hoạt động lĩnh vực báo chí của Công ty sang kinh doanh báo Điện tử.

Hoạt động báo chí cộng đồng cũng không thể không nhắc tới báo điện tử Nguoiviet.de của Lương Đình Cường. Lương Đình Cường cũng là một trí thức, tiến sĩ du học tại Đức, tiếp nhận  lại tờ báo có tính thông tin cộng đồng này của một người bạn, gần chục năm nay anh cập nhật nguyên những vấn đề nóng trong nước và vài tờ báo hải ngoại lân cận. Là người tự thiết kế được phần mềm, Lương Đình Cường đã làm nên tờ báo có khá nhiều chương mục hấp dẫn, nhất là phần tin tức hội đoàn quần chúng tại từng địa phương có người Việt ở Đức. Anh rất chú trọng chương mục tạo một sân chơi cho văn nghệ  văn học thơ ca, hò vè của quần chúng, nên sự truy cập của đồng bào Việt ở Đức không nhỏ.

Sau hoạt động của hai tờ báo đáng kể trên, trong năm sau năm gần đây xuất hiện khá nhiều trang báo mạng hợp pháp và đăng kí bản quyền mã số quốc tế của lực lượng trẻ như tờ báo mạng Thoibao.de của Lê Trung Khoa, một doanh nhân trẻ được đào tạo tại Đức, với ước mơ xây dựng một công ty truyền thông. Báo mạng của Lê Trung Khoa hay Tạp chí Hương Việt của Phạm Khánh Nam  với chủ trương hướng về lực lượng trẻ đều là những tờ báo có tương lai trong chiều sâu hội nhập và phát triển của các thế hệ tiếp nối tại Đức, tính chuyên nghiệp cũng dần nâng cao khi nhóm trẻ này biết sử dụng phóng viên và cộng tác viên chuyên nghiệp.

Nói chung hoạt động báo chí tại Đức bấy nay là một nhu cầu có tính tự thân đòi hỏi của người Việt xa xứ, nó cũng ít nhiều góp phần không nhỏ vào việc hội nhập và động viên tinh thần của kiều bào ta  ở hải ngoại. Báo chí người Việt ở Đức đang vươn lên tính chuyên nghiệp ở cả nội dung và hình thức, luôn hướng về đất nước với tính tự tôn dân tộc và ít nhiều góp thêm một tiếng nói cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam phát triển giàu mạnh. Nó là một bộ phận tuy nhỏ, nhưng cần nhắc tới trong dòng chảy báo chí Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh