THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:30

Hướng tới việc làm bền vững cho người lao động

 

Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 24 năm nay do Lào chủ trì với chủ đề: “Chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững”. Hội nghị đã tập trung vào việc rà soát các hoạt động thuộc lĩnh vực lao động đã thực hiện trong hai năm vừa qua kể từ Hội nghị Bộ trưởng Lao động lần thứ 23 được tổ chức ở My-an-ma năm 2014. Các Bộ trưởng cũng đã trao đổi các quan điểm nhằm hỗ trợ tiến trình chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức nhằm mang lại việc làm bền vững cho tất cả mọi người.

 

Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (giữa) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 24


Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã bày tỏ cam kết thúc đẩy thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) 2025. Theo đó,Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nêu rõ định hướng xây dựng ASEAN vào năm 2025 là “một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức; một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình;các nền kinh tế liên kết chặt chẽ, bền vững và năng động và một ASEAN có năng lực để nắm bắt các cơ hội và hóa giải các thách thức trong thập kỷ tới”. Trong tiến trình đó, vấn đề xây dựng một lực lượng lao động có tính cạnh tranh cao, tăng cường an sinh xã hội là những nội dung góp phần hiện thực hoá tầm nhìn ASEAN 2025.

Với mục tiêu chung giúp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ASEAN thông qua lực lượng lao động được tăng cường tính cạnh tranh, được hưởng việc làm bền vững và an toàn thông qua việc đảm bảo việc làm năng suất, nơi làm việc tiên tiến và hài hòa và bảo trợ xã hội được bảo đảm, các Bộ trưởng cũng nhất trí thông qua Chương trình làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hành động của Nhóm công tác về các điển hình lao động tiên tiến nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong ASEAN (SLOM-WG) 2016-2020, Kế hoạch hành động của Ủy ban ASEAN thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) 2016-2020, Kế hoach hành động của Mạng an toàn vệ sinh lao động ASEAN 2016-2020. Chương trình làm việc và ba kế hoạch hành động trên sẽ là nền tảng quan trọng trong hợp tác ASEAN về lao động  giai đoạn tới thông qua việc triển khai các hoạt động cụ thể tăng cường hợp tác lao động giữa các nước thành viên.Đồng thời, các Bộ trưởng kêu gọi các nước thành viên cần có các chiến lược và nỗ lực huy động nguồn lực nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động được đề xuất.

Các Bộ trưởng chụp hình chung.

 

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền của người lao động di cư trong khu vực, nhận thức được khó khăn trong việc hoàn thiện văn kiện do vẫn tồn tại sự khác biệt về quan điểm giữa các nước thành viên. Các Bộ trưởng yêu cầu Nhóm soạn thảo văn kiện hoàn tất quá trình đàm phán văn kiện càng sớm càng tốt với 85% nội dung đã được thống nhất trong năm 2016để các Bộ trưởng xem xét trình Lãnh đạo Cấp cao thông qua và ký kết chậm nhất vào tháng 4 năm 2017.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố Viên-chăn về chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN và thông qua Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 24 nhằm phản ánh kết quả của Hội nghị. Các Bộ trưởng cũng nhất trí Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 25 sẽ được tổ chức tại Malaysia vào năm 2018. Cũng trong dịp này, các Bộ trưởng cũng đã dành thời gian cùng các Bộ trưởng ba nước đối tác  Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ quan điểm, đề xuất các khuyến nghị nhằm hỗ trợ tiến tới việc chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức. Hội nghị cũng đã có cơ hội chia sẻ những nỗ lực của các bên và đề xuất các dự án sẽ hợp tác với  ba nước đối tác trong giai đoạn tới.

Đoàn Việt Nam  đã tích cực tham gia và đóng góp cho các cuộc thảo luận tại Hội nghị, nhất là chia sẻ các chương trình/chính sách cũng như các biện pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, với vai trò là nước thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong tiến trình hội nhập khu vực, trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động khu vực trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực gia tăng.

 

Trước đó, Ngày 14/5, tại Viên Chăn, Lào, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung đã có chương trình làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội CHDCND Lào Khampheng Saysompheng.

Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã đánh giá cao kết quả hợp tác về lao động và phúc lợi xã hội giữa hai bên trong thời gian qua. Theo đó, hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực gồm: công tác đối với thương binh liệt sĩ và người có công, lao động, việc làm, dạy nghề, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xóa đói giảm nghèo, công tác đào tạo cán bộ.

Về hợp tác lao động, trên cơ sở Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước và Kế hoạch thực hiện Hiệp định trên, hai Bộ đã tổ chức hội nghị triển khai Hiệp định và tổ chức tuyên truyền việc thực hiện Hiệp định. Về hợp tác đào tạo cán bộ và dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã đẩy mạnh việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo ngắn, dài hạn và dạy nghề với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào. Trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng cho thương binh và người tàn tật 686 Bản Cân, Lào và đã hoàn thành vào năm 2015 với kinh phí 48 tỷ đồng từ nguồn ODA của Chính phủ. Đồng thời, hai Bộ đã phối hợp tổ chức hàng chục đoàn thăm quan cho cán bộ hưu trí và cán bộ cách mạng lão thành, những người có công với Tổ quốc của hai nước đi nghỉ dưỡng tham quan tại mỗi nước. Hai bên còn tổ chức trao đổi đoàn về công tác tổ chức cán bộ, thanh tra, an sinh xã hội...

HTQT/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh