Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa: Đã nói là phải làm, đã hứa thì phải thực hiện…
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 00:21 - 14/05/2016
Các huyện trên đều là những huyện miền núi khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, đường giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt và địa hình miền núi hiểm trở, nhiều sông suối và vực sâu, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Trong đó, huyện Mường Lát không chỉ là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, mà còn là một trong những huyện đặc biệt khó khăn nhất của cả nước.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (thứ 2 bên trái) tặng quà cho các gia đình chính sách
và các đối tượng BTXH huyện Mường Lát
Huyện Mường Lát là huyện vùng cao biên giới ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Từ trung tâm TP Thanh Hóa đi lên Mường Lát hơn 250km, mất gần 10 giờ đồng hồ mới có thể đến trung tâm huyện, có trên 100km đường biên giới với nước bạn Lào, có 9 đơn vị hành chính, với trên 35.000 nhân khẩu, có 6 dân tộc anh em sinh sống Dao, Thái, Mường, Mông, Khơ Mú, Kinh…, có 31/90 thôn bản giáp biên giới, đời sống, sản xuất của người dân vùng này gặp rất nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, bất cập chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ chưa cao.
Trong những năm gần đây, kinh tế có bước phát triển, nhưng thiếu bền vững, sản xuất nông-lâm nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên.Có 33.744 đối tượng được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT; có 8.648 đối tượng người nghèo, trên 20.680 đối tượng sinh sống thuộc diện đặc biệt khó khăn. Có 5.612 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 71,40% và có 743 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 9,45%.
Sau khi nghe báo cáo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các huyện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chia sẻ những khó khăn với các huyện, đặc biệt là với huyện Mường Lát. Đồng thời Bộ trưởng cũng biểu dương những nỗ lực và cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các huyện, đã vượt qua mọi khó khăn để đạt được những kết quả đáng khích lệ như ngày hôm nay.
Chia sẻ những khó khăn của đời sống người dân các huyện miền Tây Thanh Hóa, trong bài phát biểu về chương trình hành động của mình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Với cương vị của mình hiện nay, luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Nếu trúng cử trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV, sẽ đại diện cho cử tri nắm bắt, truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến Quốc hội, đến các cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tốt nhất và hiệu quả nhất”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh: “ Với cương vị nào, vị trí nào thì đã nói là phải làm, đã hứa thì phải thực hiện. Với cương vị là Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH, nếu là đại biểu Quốc hội thì sẽ có điều kiện gắn bó với đồng bào miền Tây Thanh Hóa hơn, ghi nhận những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nỗ lực làm tròn trách nhiệm của một đại biểu dân cử, mang tiếng nói của người dân, của cử tri truyền tải đến Quốc hội”.
Bộ trưởng chia sẻ thêm: “Sẽ nỗ lực hoàn thành trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực được Đảng, Nhà nước giao. Nhiệm vụ quan tâm hàng đầu trong năm 2016 là tập trung giải quyết chế độ, chính sách người có công và thanh niên xung phong. Bên cạnh đó, tập trung cao cho công tác triển khai giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đặc biệt quan tâm tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền Tây xứ Thanh - nơi còn tỷ lệ hộ nghèo lớn”.
Cử tri Hà Văn Hoàn trình bày tâm tư nguyện vọng tại hội nghị
Trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, cử tri Hà Văn Hoàn, Chủ tịch xã Tén Tằn, huyện Mường Lát bày tỏ: Với 882 hộ, 4.186 nhân khẩu, toàn xã có đến 22 km đường biên giới với nước bạn Lào, 9 cột mốc, 5 bản giáp biên, giao thông đi lại khó khăn, điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân đã có bước phát triển, nhưng còn rất nhiều khó khăn...do vậy rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông từ Tén Tằn lên xã Mường Chanh và hòa lưới điện quốc gia cho một số bản đang còn thiếu của ba xã: Tén Tằn, Quang Chiểu, Mường Chanh. Đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp cửa khẩu Quốc gia Tén Tằn, xây dựng cầu treo qua sông Mã khu vực xã Tén Tằn để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ đồng bào dân tộc nơi đây có điều kiện thuận lợi để đi lại, giao lưu, buôn bán.
Cử tri Lâu Gia Pó trình bày kiến nghị với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội
Cử tri Lâu Gia Pó, Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi, huyện Mường Lát kiến nghị: Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước liên tục hỗ trợ giúp đỡ, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, với một số chính sách hỗ trợ trực tiếp như: hỗ trợ muối, hỗ trợ dầu cần phải cắt, giảm để chuyển sang xây dựng cơ sở vật chất cho cộng đồng như xây dựng nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế...
Ghi nhận những kiến nghị của cử tri, thay mặt các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng nhấn mạnh: Ý kiến, kiến nghị của cử tri đều rất tâm huyết, là những nguyện vọng hết sức chính đáng. Với các đề xuất, kiến nghị của cử tri, Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành rà soát lại toàn bộ dự án, chương trình thuộc lĩnh vực ngành phụ trách. Những chương trình, dự án nào cần thiết sẽ nghiên cứu đầu tư ngay, chương trình nào chưa thấy cần thiết thì phải dãn ra. Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, các ứng cử viên sẽ đem hết tâm huyết, trách nhiệm của mình thực hiện có hiệu quả chương trình hành động và lời hứa đã báo cáo trước cử tri; chung sức xây dựng tỉnh Thanh Hoá sớm trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực bắc miền Trung…. Đó là cam kết của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV.