THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:29

Hướng thoát nghèo còn xa…

Nghèo đói bủa vây…

 Bản Thượng Kim có 32 hộ với 140 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Nơi đây được mệnh danh là bản “5 không” của xã Thần Sa, bởi không có đường đi lại thuận tiện, không điện, không chợ buôn bán trao đổi, không có sóng điện thoại và một nửa bản không có ruộng đất.

Học hành hạn chế, không có việc làm nên đối với người dân nơi đây, gia đình nào có ruộng canh tác, dù là diện tích nhỏ hẹp thì đó cũng là tài sản vô giá. Nhưng rồi, dù may mắn có “cần câu cơm” thì bà con người Dao ở Thượng Kim cũng không dễ làm ăn với điều kiện sản xuất vô cùng khắc nghiệt. 100% hộ dân ở đây thuộc diện hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. 

Tuổi thơ của những trẻ em nghèo ở Thượng Kim.

Bà Triệu Thị Nhân, năm nay ngoài 60 tuổi, là một trong những hộ nghèo nhất ở Thượng Kim. Gia đình không có ruộng nương, công việc hàng ngày của bà là đi rừng, kiếm được gì thì bán cái đó, ai nhờ gì bà cũng làm, cốt nhặt nhạnh đôi đồng mua mắm muối. Khấm khá hơn bà Nhân, anh Triệu Trung Chu có ruộng canh tác.

Thế nhưng với 3 sào ruộng, gia đình anh vẫn không thoát khỏi cảnh thiếu ăn ngày giáp hạt, bởi có ruộng nhưng không thuận tiện nguồn nước, đi lại vất vả nên một năm chỉ cấy được một vụ, lúa thu về không đáng là bao.

Và, cuộc sống của bao gia đình người dân ở Thượng Kim càng khó khăn hơn khi chưa có điện. Không có điện, người dân không được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, không nắm bắt được kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như thông tin văn hóa xã hội bên ngoài, đặc biệt là cách làm kinh tế.

“Đói… điện”, bà con còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, từ việc xay xát, bơm nước phục vụ sản xuất. Đặc biệt, lũ trẻ phải học hành khó nhọc trong ánh đèn dầu leo lét, hay học dưới ánh đèn pin tự chế khi sáng, khi mờ.

“Điều kiện khó khăn nên vai trò các ban, ngành, đoàn thể đối với dân trong nhiều hoạt động cũng mờ nhạt. Bản Thượng Kim có một đảng viên, hiện vẫn sinh hoạt ghép cùng chi bộ Tân Kim. Ở đây cũng chưa có tổ chức Hội người cao tuổi, Đoàn Thanh niên… Cuộc sống của người dân trong bản vẫn hoàn toàn tự cung tự cấp, thậm chí còn mong chờ vào của “trời cho” từ rừng khiến bà con cứ mãi luẩn quẩn trong cái nghèo”, ông Triệu Văn Kim, Trưởng bản Thượng Kim cho biết.

 

Gian nan đường gieo chữ

 Cung đường uốn lượn quanh co, những con dốc dựng đứng, nền đất đỏ quạch men theo đồng rừng đưa chúng tôi tới trung tâm bản Thượng Kim. Nằm cheo leo trên quả núi chính là điểm trường tiểu học và trường mầm non dành cho con em đồng bào Dao nơi đây.

Có gần 10 năm thâm niên là giáo viên cắm bản trên vùng đất sương giăng này, thầy giáo Nguyễn Xuân Hải (quê Phú Bình) cho biết: “Hiện cả hai điểm trường có 17 cháu, trong đó có 12 cháu học mầm non, 5 cháu học tiểu học.

Trước đây, để học sinh đến lớp, các thầy giáo đã phải đến từng gia đình vận động, nhiều em đi học được một thời gian rồi lại bỏ học giữa chừng, theo cha mẹ lên rẫy, thế nên giáo viên phải đến từng gia đình thuyết phục nhằm kéo các em trở lại lớp”.

Vì điều kiện khó khăn nên cơ sở vật chất ở điểm trường Thượng Kim  cũng rất sơ sài. Phòng học là 2 túp lều dựng tạm, mái bằng tấm lợp, thân bằng tre và gỗ xếp xít lại với nhau, song vẫn để lại những khoảng trống rộng. Một phòng là lớp mầm non, phòng còn lại được ngăn thành 3 lớp cho học sinh 3 khối lớp 2, lớp 3 lớp 4.

Vào những ngày đông, trên đỉnh núi cao gió rét như thế này, nhìn cảnh cô và trò mải mê tìm con chữ khiến bất cứ ai đặt chân đến đây cũng không khỏi xót lòng. Rồi khi mùa hè đến, ánh nắng chói chang lại chiếu thẳng đến từng bàn học.

Điểm trường Thượng Kim làm bằng tre, gỗ trống hoác, dành cho cả trẻ mầm non và học sinh tiểu học.  

Theo lời thầy Hải, khí hậu khắc nghiệt cộng với cuộc sống thiếu thốn đủ bề cả về điều kiện sinh hoạt và giảng dạy khiến cho việc dạy và học của thấy trò nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Sách vở và đồ dùng học tập của các em đều thiếu.

“Thường thì các em phải học chung sách giáo khoa, ghi chung vở, có em đến lớp chẳng có bút, vở để viết. Song các em rất ngoan, nhanh nhẹn và luôn thể hiện niềm khát khao con chữ đến cháy bỏng khiến chúng tôi cũng thấy vui lòng”, thầy Hải nói.

Thực tế cho thấy, trẻ em ở Thượng Kim chủ yếu học ở trường bởi về nhà không có điện, bố mẹ bận làm ăn và dân trí thấp nên cũng không giúp các em được. Vì vậy, để chắp cánh cho niềm đam mê con chữ của các em là sự nỗ lực rất lớn của các giáo viên cắm bản.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thần Sa chia sẻ, Thượng Kim là bản khó khăn nhất trên địa bàn. Thời gian qua, chính quyền xã cũng dành nhiều sự quan tâm, nhưng do kinh phí và nguồn lực có hạn nên chưa thể giúp bà con nơi đây thoát khỏi cái nghèo.

Mong rằng thời gian tới, bản Thượng Kim sẽ được các cấp chính quyền cũng như xã hội quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn trong việc xây dựng những hạ tầng thiết yếu, giúp người dân thuận lợi hơn trong sản xuất và mưu sinh, để trẻ em ở Thượng Kim được đảm bảo quyền được vui chơi và học tập. 

Mai Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh