THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:34

Hưng Yên: Số người nhiễm HIV có chiều hướng tăng

 

Số người nghiện ngoài cộng đồng cao hơn số người nghiện trong trung tâm
Là địa phương gần với nhiều tỉnh thành có tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm phức tạp, tuy nhiên với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Hưng Yên có nhiều điểm đáng ghi nhận. Đặc biệt trên địa bàn hiện không có các tụ điểm ma túy hoạt động gây bức xúc trong nhân dân. Những tụ điểm ma túy mới phát sinh đều kịp thời được phát hiện và có kế hoạch đấu tranh triệt phá.

 

Năm 2016 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục – LĐXH tỉnh Hưng Yên chỉ tiếp nhận 62 học viên cai nghiện (ảnh: Số người nghiện ít ỏi tại trung tâm). ảnh Chu Lương

Ông Nguyễn Hải Đương, Chi cục trưởng chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Hưng Yên cho biết, trong năm 2016, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục – LĐXH tiếp nhận 62 học viên cai nghiện, trong đó tự nguyện là 40 học viên, bắt buộc theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP là 22 học viên. Hiện nay tỉnh Hưng Yên có 1693 người nghiện ngoài xã hội, trong trại tạm giam là 200 người, cai nghiện tại cơ sở cai nghiện là 62 người. Đến nay đã có 156/161 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nghiện ma túy.

Có thể thấy tuy số người nghiện so với nhiều trung tâm lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hải Phòng, Nghệ An... là không cao, nhưng với số người nghiện ngoài xã hội nhiều, trong khi tại trung tâm cai nghiện lại rất ít khiến cho việc quản lý không đơn giản.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, tại cộng đồng, tỉnh Hưng Yên đã thí điểm từ năm 2015 với 2 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy, với nhiệm vụ chủ yếu là tư vấn, hỗ trợ tâm lý, kiến thức về nghiện ma túy, quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy và các hình thức cai nghiện ma túy phù hợp cho gia đình và người nghiện ma túy có nhu cầu cai nghiện. Trên thực tế, từ đầu năm 2016 đến nay các điểm tư vấn đã tiếp nhận hàng chục đối tượng đến xin tư vấn, hỗ trợ về điều trị nghiện ma túy. Nhiều người nghiện ma túy đã được tư vấn kịp thời, lựa chọn được hình thức cai nghiện phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân và gia đình - ông Nguyễn Hải Đương cho hay.
Tính đến nay, tỉnh Hưng Yên đã thành lập, kiện toàn 153 Đội công tác xã hội tình nguyện trên tổng 161 xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội trong phòng, chống tệ nạn xã hội tại cấp cơ sở.
Tệ nạn mại dâm và nhiễm HIV có xu hướng tăng 
Tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không có điểm nóng và không tập trung nhiều gái bán dâm, nhưng cũng đã xuất hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có nguy cơ cao dẫn tới hoạt động mại dâm. Các hình thức hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, trá hình trong một số nhà nghỉ, quán café… Trên địa bàn có trên 257 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, với khoảng 405 nữ lao động có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm. Hầu hết các nữ lao động này đều là người tỉnh ngoài đến làm việc, do vậy công tác quản lý gặp không ít khó khăn.
Năm 2016, Đội kiểm tra liên ngành 178 đã thực hiện kiểm tra 35 đợt đối với 72 cơ sở kinh doanh dịch vụ, lập biên bản nhắc nhở 55 cơ sở, xử lý hành chính các vi phạm liên quan đồng thời đình chỉ 12 cơ sở vi phạm nghiêm trọng. Công an tỉnh Hưng Yên đã đấu tranh triệt phá tổng cộng 10 vụ án mại dâm, bắt 53 đối tượng, trong đó: chủ chứa, môi giới mại dâm 11 đối tượng; gái bán dâm 17 đối tượng; khách mua dâm 17 đối tượng; đối tượng liên quan 08 đối tượng; khởi tố 10 vụ với 11 bị can; xử lý hành chính 34 đối tượng. 
Tình hình nhiễm HIV chưa có chiều hướng giảm mà ngày càng gia tăng. Hiện có khoảng 781 trường hợp nhiễm HIV. Nguyên nhân chủ yếu là do số người nghiện ma túy ở ngoài xã hội cao. Đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở độ tuổi 20-39, và chủ yếu là nam giới chiếm tỷ lệ cao. Số người chuyển sang giai đoạn AIDS là 94 người. Đến nay có 10/10 huyện, thành phố và 157/161 xã, phường, thị trấn phát hiện có các trường hợp nhiễm HIV/AIDS.
Cần tháo gỡ vướng mắc
Theo ông Nguyễn Hải Đương, công tác cai nghiện theo nghị định 221/2013/NĐ-CP từng bước được tháo gỡ, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn do vướng mắc nhưng thủ tục hành chính đưa người nghiện bắt buộc vào trung tâm vẫn là rào cản lớn. Việc tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy và gia đình tự nguyện khai báo và đăng ký cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng chưa hiệu quả, dẫn đến đối tượng nghiện tự nguyện đăng ký cai nghiện chưa nhiều.

 

Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục – LĐXH tỉnh Hưng Yên hoang vắng vì số người nghiện rất ít, chủ yếu ngoài cộng đồng (ảnh Chu Lương)

 

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ chuyên trách về phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp vừa mới lại vừa thiếu. Nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống nhất của một bộ phận cán bộ và người dân, dẫn đến thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện. Thậm chí có nơi có lúc làm ngơ, không xử lý vi phạm hoặc xử lý nhẹ. Cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng cấp xã hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về công tác cai nghiện ma túy, còn thiếu và yếu về chuyên môn...
Theo ông Đương, thời gian tới, để công tác phòng, chống TNXH được thực hiện thuận lợi, các cơ quan chức năng cần phối hợp nhằm sớm ban hành văn bản hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; hướng dẫn xây dựng các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm. Bổ sung thêm nguồn kinh phí thực hiện cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng. Đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 221/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ về việc quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh