THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:53

Hưng Nguyên (Nghệ An): Cần di dời các hộ dân vùng sạt lở đất nguy hiểm

 

Nhiều diện tích cây cối, hoa màu cũng bị đất vùi lấp

Anh Phạm Trọng Khánh, xóm 5, xã Hưng Yên Nam chưa hết sợ hãi kể lại sự việc: “Đêm mồng 7/11 vừa qua khi cả gia đình đang ngủ thì nghe tiếng ầm ầm. Tôi bật dậy mang đèn pin ra soi thì thấy đất đá ào ào lở xuống ở vườn chanh sau nhà. Tôi hoảng quá nên chạy vô nhà gọi vợ con dậy chạy ra ngoài đường để bảo toàn tính mạng”.

Cũng theo anh Khánh thì gia đình anh sống ở khu vực nói trên đã vài chục năm nay nhưng chưa bao giờ bị sạt lở như vậy. Đợt lở đất vừa qua đã khiến cho vườn chanh hơn 50 gốc đang cho thu hoạch bị vùi lấp, hư hỏng. Giếng nước cũng bị nhiều khối đất bồi lấp khiến cho gia đình anh mấy ngày qua không có nước sinh hoạt; ngoài ra chuồng trâu cũng bị đất bồi lên hàng mét nên gia đình phải đưa trâu đi gửi ở nhà hàng xóm.

Hàng trăm khối đất đá lở xuống nhà anh Phạm Trọng Khánh

Bác Nguyễn Văn Hợi, ở xóm 5 cũng là 1 trong số khoảng 50 hộ dân ở xóm này bị ảnh hưởng bởi tình trạng lở đất nhớ lại: “Tôi đã hơn 70 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ thấy có hiện tượng sạt lở đất tràn xuống nhà cửa, vườn tược như vừa qua. May mà không có thiệt hại về người chứ tài sản như cây trồng và vật nuôi thì đều có mất mát, hư hỏng. Hơn nữa việc hàng chục, thậm chí hàng trăm mét khối đất đá tràn vào nhà cửa, vườn tược cũng từng hộ gia đình khiến cho công việc dọn dẹp của người dân hết sức khó khăn”.

Cách đó không xa là nhà ông Nguyễn Văn Quy cũng là hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất , ông Quy cho hay, sáng 8/11, sau cơn mưa lớn, ông nhìn lên núi thì thấy cây cối nghiêng ngả. Chỉ trong chốc lát, đất bắt đầu nứt toác rồi ào ào đổ xuống theo dòng nước mưa vào vườn, thậm chí đến sân nhà. Được chính quyền khuyến cáo, gia đình ông Quy đã bắt hết lợn, gà đưa tới nhà người thân. Vì thế, gia đình ông không bị thiệt hại về tài sản nhưng sau đó công tác dọn dẹp, chở số đất hàng chục khối đi đổ hết sức vất vả. Khi PV có mặt tại nhà ông Quy thì cả gia đình ông vẫn chưa đưa hết số đất bị lở xuống đi nơi khác.

Việc dọn đất tiến hành đã 2 ngày nhưng anh Khánh vẫn chưa thể hoàn thành

Ông Nguyễn Trọng Long, Xóm trưởng xóm 5, xã Hưng Yên Nam cho biết: “Đợt mưa vào tháng 10 vừa qua thì bắt đầu có hiện tượng sạt lở ở xóm 5. Đáng lưu ý. sau đợt mưa đêm mồng 7 và ngày mồng 8/11 vừa qua thì hiện tượng sạt lở diễn ra ồ ạt khiến cho người dân hết sức lo lắng. Nhiều tài sản, cây cối của hàng chục hộ dân xóm tôi cũng như xóm 6 và xóm 7A đều bị ảnh hưởng, thiệt hại cũng khá nhiều nhưng rất may không có thiệt hại về người vì người dân đã được khuyến cáo”.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam, dọc theo chân núi bị sạt lở có 52 hộ dân với gần 400 nhân khẩu sinh sống. Sau khi xảy ra hiện tượng sạt lở thì từ ngày 8/11 chính quyền đã huy động hơn 50 người gồm cán bộ, công an, dân quân tự vệ tới các hộ dân để vận động di dời tài sản và trẻ em đến nơi an toàn. Còn lại chỉ cắt cử một người ở lại để trông coi vật dụng, đồ đạc trong nhà. Đồng thời cũng huy động công an, dân quân giúp dân dọn đất.

 

Hiện tượng sạt lở có thể tiếp diễn nếu như tiếp tục có mưa

Cũng theo ông Hiếu thì dãy núi Rú Rậm dài khoảng 700m chạy dọc hai xóm 5, 6A và một phần xóm 7A xảy ra tình trạng nứt rồi sạt lở gây nguy hiểm cho các hộ dân sinh sống ở phía dưới. Điều nguy hiểm là nếu xảy ra mưa thì tình trạng lở đất sẽ tiếp tục xảy ra và quy mô ảnh hưởng sẽ lớn hơn, nhất là hiện nay một số khu vực tại xóm 7A cũng đã xuất hiện tình trạng này. Theo ước tính, khối lượng đất bị sạt lở đợt vừa qua lên đến hàng nghìn m3, số hộ bị ảnh hưởng nặng nhất là khoảng 20 hộ.

 

Có hơn 50 hộ dân sống dọc Rú Rậm kéo dài hơn 700m bị ảnh hưởng bởi lở đất

Ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: “Thông tin về sạt lở đất ở một số xóm của xã Hưng Yên Nam huyện đã nắm được và đã cử đoàn xuống hiện trường kiểm tra trực tiếp, cử cán bộ, công an và dân quân giúp dân dọn đất đá để ổn định sinh hoạt trước mắt. Về lâu dài thì chúng tôi đang làm báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý kịp thời”.

Lở đất cũng đã xuất hiện ở xóm 7A

Nói về phương án lâu dài, ông Ân đưa ra giải pháp: “Có thể phải cắt ngọn núi thành hình bậc thang xây móng để chống sạt lở về lâu dài. Đồng thời, cần có phương án rà soát xem những hộ nào quá gần núi, nguy hiểm cần di dời thì sẽ tìm nơi định cư mới cho họ. Tuy nhiên, quỹ đất cũng như kinh phí cũng khá khó khăn, hạn hẹp”.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh