THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:46

Hợp tác xã Hương Liên (tỉnh Sóc Trăng) tạo sinh kế giúp người nghèo

Chị Nguyễn Kim Liên, Giám đốc Hợp tác xã đan đát Hương Liên cho biết: Ở xã Mỹ Quới trước đây chỉ có những hộ làm nghề đan lục bình nhỏ lẻ. Rồi các hộ liên kết mô hình tổ hợp tác với 9 xã viên, chủ yếu là chị em phụ nữ, việc tiêu thụ sản phẩm đan đát chưa nhiều. Đến cuối năm 2022, nhu cầu của thị trường tăng, hàng hóa xuất bán nhiều hơn, chúng tôi quyết định thành lập hợp tác xã. Tháng 1/2023, Hợp tác xã Hương Liên thành lập với 21 thành viên, chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cụ thể là các sản phẩm đan đát từ lục bình. Hiện nay, hàng tuần thợ nhận gia công các tấm xếp sẽ đến giao hàng.

Tùy theo kích thước sản phẩm sẽ nhận tiền công từ 7.000 - 20.000 đồng/sản phẩm. Nhiều lao động tập trung làm nghề, mỗi tuần thu nhập từ 800.000 - 900.000 đồng. Người tham gia có thu nhập từ các nguồn nuôi trồng lục bình, cắt phơi khô để bán nguyên liệu cho hợp tác xã và nhận gia công sản phẩm cho hợp tác xã. Mẫu mã sản phẩm được hợp đồng ổn định từ 5 đến 10 năm từ đó có thể đảm bảo việc làm, thu nhập cho các thành viên trong gia đình cùng tham gia. Phụ nữ chủ yếu đan sản phẩm; người già, trẻ em có thể phơi lục bình; nam giới tham gia thu gom, vận chuyển, chặt lục bình. Khi làm việc có thể tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Phụ nữ xã Mỹ Bình (thị xã Ngã Năm) nhận nguyên liệu lục bình đan giỏ về nhà làm, giúp có thêm thu nhập.

Phụ nữ xã Mỹ Bình (thị xã Ngã Năm) nhận nguyên liệu lục bình đan giỏ về nhà làm, giúp có thêm thu nhập.

Trong hợp tác xã có một thành viên là nam do bệnh bại liệt hai chân, anh không thể đi lại, nhưng sau khi học nghề đan và tham gia hợp tác xã, mỗi ngày anh có thu nhập từ 120.000 - 150.000 đồng. Từ nguồn thu này, anh có thể dùng để trang trải cuộc sống và tự tin hơn vì đã tham gia phát triển kinh tế cùng gia đình.

Hợp tác xã Hương Liên đã tạo việc làm cho hơn 300 lao động tại chỗ nhận làm sản phẩm tấm xếp xoắn lục bình, chậu hoa, giỏ xách, hộp, sọt rác, thảm... với thu nhập bình quân khoảng 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. 

Hiện nay, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình và cỏ năn tượng của Hợp tác xã đan đát Hương Liên và một số tổ phụ nữ đan lục bình do phụ nữ quản lý được công nhận sản phẩm OCOP. Mô hình được lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ các cấp đến tham quan để nhân rộng.

Một số sản phẩm thủ công của Hợp tác xã Hương Liên làm từ cây năn tượng. Ảnh: Baosoctrang.vn

Một số sản phẩm thủ công của Hợp tác xã Hương Liên làm từ cây năn tượng. Ảnh: Baosoctrang.vn

Để mở rộng nghề đan đát, Hợp tác xã đan đát Hương Liên thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề hoặc đến các xã, ấp lân cận hướng dẫn bà con có nhu cầu học nghề đan đát; đồng thời còn mang nguyên liệu, bộ khung đến tận nhà, sau khi thợ làm ra thành phẩm thì thu nhận và trả tiền theo sản phẩm. Đơn cử như chị Trần Kim Thùy (ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Bình), sau khi tham gia lớp đào tạo nghề đan đát giỏ lục bình do Hợp tác xã Hương Liên tổ chức, chị Thùy nhận nguyên liệu lục bình về nhà đan giỏ những lúc rảnh rỗi. Bình quân mỗi ngày chị đan được từ 6 - 8 sản phẩm lục bình, thu nhập từ 100.000 -120.000 đồng. Từ khi có việc làm thêm này, cuộc sống gia đình chị được cải thiện rất nhiều.

Qua mô hình này, có thể thầy nghề đan lục bình thật sự đang là mô hình sinh kế hiệu quả cho người dân ở Ngã Năm. Từ mô hình này, giúp người lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm thu nhập và trang trải cuộc sống gia đình. Hợp tác xã Hương Liên và các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ, đan đát ở Sóc Trăng đã không ngừng nỗ lực mở rộng sản xuất, kinh doanh, hoạt động hiệu quả,giúp người dân có việc làm đểcải thiện thu nhập, qua đó góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Kim Thanh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh