CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:18

Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng: Những nỗ lực cải cách và kỳ tích

Các đại biểu tham dự Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mekong

 

Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) do Việt Nam đăng cai tổ chức diễn ra tại Hà Nội từ 29- 31/3. 

Chia sẻ tại Phiên họp mở của Hội đồng Kinh doanh GMS về Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam - sáu quốc gia cùng gắn bó với dòng sông Mekong qua bao thế hệ. Đây là một khu vực trù phú, giàu tiềm năng, đa văn hóa, điểm kết nối giữa các nền kinh tế lớn: ASEAN, Trung Quốc, và Ấn Độ.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, một phần tư thế kỷ qua đi kể từ khi chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi động, với sự hỗ trợ của NH Phát triển châu Á, có những nỗ lực cải cách và kỳ tích phát triển ở khu vực này. Quan trọng nhất là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gắn liền với những thành công trong xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân GMS 2018. 
Khẳng định những lợi thế phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, lợi thế lao động rẻ và cơ cấu dân số trẻ..., Chủ tịch VCCI TS. Vũ Tiến Lộc kỳ vọng, GMS hoàn toàn có khả năng trở thành bếp ăn của thế giới hay một công xưởng mới của nền kinh tế thế giới.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc

Theo Chủ tịch VCCI, thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của DN là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ...
Ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào khẳng định, GMS đang bước vào thập niên thứ ba của hợp tác với cam kết mạnh mẽ hơn đối với các mục tiêu chung trong kết nối, cộng đồng và khả năng cạnh tranh. Trong du lịch, tập trung sẽ là thúc đẩy các giải pháp tiếp thị cho GMS như là một điểm đến; Trong môi trường, trọng tâm là thúc đẩy các giải pháp thân thiện môi trường, quản lý rủi ro thiên tai; Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực tập trung vào việc chứng nhận các khoá đào tạo GMS...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn các DN trong khu vực GMS sẽ cùng nhau chia sẻ về tầm nhìn phát triển và trao đổi về cơ hội kết nối trong tương lai. Các quốc gia trong khu vực cần đẩy mạnh hợp tác, hướng đến mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực. Theo Bộ trưởng, các quốc gia tiểu vùng sông Mekong đang đứng trước những cơ hội phát triển hết sức khả quan.

Trách nhiệm của các DN trong cộng đồng GMS chính là tạo ra những giá trị mới để đóng góp cho tăng trưởng và thúc đẩy không chỉ cho một quốc gia mà cho các quốc gia trong khu vực.

Doanh nghiệp GMS cũng cần tiếp tục hợp tác, gắn kết với nhau, đặc biệt là giữa các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa để tận dụng các cơ hội, đồng thời bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển tạo ra nhóm các DN có lợi thế cạnh tranh, từng bước tham gia vào thị trường và các quy định khác trên toàn cầu.

Cùng với sáng kiến về Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh, VCCI cũng đề xuất thành lập mạng lưới doanh nhân nữ GMS và mạng lưới khởi nghiệp GMS. Với hy vọng, cùng với những sáng kiến, chương trình, dự án để thúc đẩy kết nối khu vực, thuận lợi hóa thương mại đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, chính mạng lưới các cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhân lên sức mạnh của GMS trong những nỗ lực hội nhập và phát triển.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh