Hơn 2.000 đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 tại Việt Nam
- Tây Y
- 19:05 - 16/03/2018
Quang cảnh họp báo
Từ ngày 29- 31/3, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia -Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều ngày 15/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị Đặng Đình Quý cho biết, tiếp nối thành công của Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Hội nghị GMS 6 và CLV 10 là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2018.
Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 đánh dấu 25 năm thành lập hợp tác GMS, đồng thời xác định hướng đi cho hợp tác nhằm xây dựng khu vực Mekong thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Đặng Đình Quý, Việt Nam là thành viên tích cực và chủ động trong cả hai cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Việc Việt Nam đăng cai chủ trì Hội nghị hợp tác tiểu Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong hợp tác Tiểu vùng Mekong nói chung, hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam nói riêng.
Cũng theo Thứ trưởng Đặng Đình Quý, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.
Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên của hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).
Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng có mục tiêu dài hạn thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa Tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh, thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Khác với hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) dựa trên các hiệp định, hợp tác GMS chủ yếu dựa trên các dự án cụ thể về kết nối giao thông và hành lang kinh tế.
Chiến lược hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng về cơ bản dựa trên ba trụ cột, hay còn gọi là ba “C”: Kết nối hạ tầng (Connectivity), Tăng cường khả năng cạnh tranh (Competitiveness), Kết nối cộng đồng (Community) trên các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục.
Thời gian qua, hợp tác GMS được triển khai trên các lĩnh vực: giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, du lịch, đầu tư, thương mại và phát triển nhân lực. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải được triển khai mạnh nhất, với sự hình thành của các hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông - Tây… và các nước đã ký Hiệp định tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hành khách và hàng hoá qua biên giới tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS-CBTA).
Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng những năm qua đã đạt những bước tiến quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác lớn trong và ngoài khu vực, góp phần khơi dậy, thúc đẩy phát triển tiềm năng kinh tế các vùng trong khu vực. Cho đến nay, hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng đã tổ chức 22 hội nghị bộ trưởng và 5 hội nghị thượng đỉnh.
Hợp tác tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia, Lào, Việt Nam được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắk Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào tam giác phát triển này.
Mục tiêu của việc hình thành tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia, Lào, Việt Nam là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Hợp tác tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia, Lào, Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: an ninh – đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường...