Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS: Chia sẻ tầm nhìn và cơ hội
- Huyệt vị
- 21:43 - 30/03/2018
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh GMS
Diễn đàn có sự góp mặt của ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đàu tư, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Oudet Souvannavong - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Lào, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển (đa phương và song phương), đại diện địa phương các nước GMS và lãnh đạo hơn 2.000 doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS là sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ GMS 6. Với tiềm năng lớn mạnh của GMS, khu vực có hơn 340 triệu dân, Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS lần này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khối cùng chia sẻ tầm nhìn và cơ hội kết nối trong tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, qua mỗi kỳ Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp GMS đã ngày càng lớn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong triển khai, hiện thực hóa các chính sách của Chương trình hợp tác GMS. Để có được kết quả này, Hội đồng kinh doanh GMS (GMS Business Council) đã thể hiện rất tốt vai trò kết nối, điều phối các hoạt động và sáng kiến phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn các quốc gia GMS cùng nhìn nhận lại và đánh giá sâu sắc hơn những cơ hội kết nối, phát triển, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cùng nhau chia sẻ tầm nhìn và cơ hội kết nối sâu rộng hơn, hướng tới một mục tiêu phát triển chung, tận dụng tốt nguồn vốn lên tới 66 tỷ USD tại hơn 220 dự án trong toàn khu vực.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biều khai mạc
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra các thánh thức mà khối GMS đang phải đối mặt như sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của các quốc gia trên thế giới và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Các quốc gia cũng như doanh nghiệp GMS cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và gắn kết để tận dụng các cơ hội hiện có, đồng thời bổ sung kiến thức và kinh nghiệm cho nhau, từng bước tham gia vào thị trường quốc tế.
Cũng tại phiên khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, các nước thành viên GMS có nhiều điểm mạnh, một trong số đó là tiềm năng phát triển nông nghiệp. TS. Vũ Tiến Lộc cũng hoan nghênh sự đóng góp của Campuchia với sáng kiến phát triển mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa (MSMEs) nhằm nâng cao hiệu quả của các thế chế, bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.
"Chung một dòng sông – con sông Mê Kông huyền thoại - là số phận đã gắn bó chúng ta. Trung Quốc, Lào, Cam Pu Chia, My-an-mar, Thái Lan, Việt Nam, sáu quốc gia trải dài theo dòng sông này qua bao thế hệ. Chúng ta tự hào được sinh ra ở nơi đây. Một khu vực trù phú, giàu tiềm năng, đa văn hóa, điểm kết nối giữa các nền kinh tế lớn: ASEAN, Trung Quốc, và Ấn Độ. Với nỗ lực của các quốc gia thành viên và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, nhiều chương trình hợp tác GMS đã được hình thành", ông Lộc nói.
Chuỗi giá trị GMS đang rộng mở. Một phần tư thế kỷ qua đi kể từ khi chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi động, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực cải cách và kỳ tích phát triển ở khu vực này. Kỳ tích quan trọng nhất, tôi nghĩ, đó là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gắn liền với những thành công trong xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân", ông Lộc nhấn mạnh thêm.
Trong diễn đàn ngày hôm nay, các đại biểu sẽ cùng thảo luận kỹ lưỡng những biện pháp tăng cường hợp tác, phát triển kết nối doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt nhấn mạnh vào các mô hình kinh doanh mới và chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Về phần mình, ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS cho biết, khối doanh nghiệp tư nhân GMS cần làm tốt hơn nữa và khẳng định rõ ràng hơn sự hợp tác cùng nhau, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực ngày càng được đẩy mạnh và sự kết nối kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng được chú trọng hơn.
Diễn đàn sẽ được tổ chức theo mô hình của Diễn đàn kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ). Theo đó, mỗi cuộc thảo luận sẽ do một điều phối viên giàu kinh nghiệm điều hành. Diễn đàn sẽ bao gồm 2 phiên: Phiên thứ nhất có chủ đề “Các mô hình kinh doanh mới – Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS”; Phiên thứ hai mang tên: “Kế hoạch chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân”.