THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:07

Hợp tác để bảo vệ trẻ em trong hoạt động du lịch

 

Xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch: Phần nổi của tảng băng chìm

Bộ Tư pháp Việt Nam cùng Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) vừa kết hợp tổ chức Kỳ họp thứ hai Nhóm nghiên cứu pháp luật Khu vực về bóc lột tình dục trẻ em trong Du lịch và Lữ hành. Cuộc họp có sự tham dự của các đại diện cấp cao từ 4 quốc gia trong khu vực Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, cùng các đại diện của Liên Hiệp Quốc, Đại sứ quán Anh, JICA và các đối tác phát triển.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết, trong khu vực Đông Nam Á, bóc lột tình dục trẻ em ngày càng gia tăng bởi sự phát triển ngày càng ngành du lịch khu vực và quốc tế. Sự phát triển này khiến cho mỗi năm lượng khách du lịch lớn từ nước ngoài, các nước trong khu vực và cả nội địa đến các thành phố, các khu nghỉ dưỡng ven biển, và các di tích lịch quốc gia ngày càng cao. Do đó, cần phải có các biện pháp tích hợp để bảo vệ trẻ em. Nếu không có sự hợp tác giữa các Quốc gia thì không thể phòng chống hiệu quả loại tội phạm có tính chất nguy hiểm này.

 

Trẻ em tham gia hoạt động du lịch tại Sa Pa (Lào Cai)

 

Tổng quan về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, bà Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh: “Ở Việt Nam, đã có nhiều trường hợp đáng báo động, nhưng đó mới chỉ là phần chìm của tảng băng khổng lồ. Do ảnh hưởng tâm lý và văn hóa, nhiều cha mẹ có xu hướng giấu chuyện của con, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, hoặc cũng có khi do các con chưa nhận thức được đó là việc cần tố cáo”. Tính chất đặc biệt của tội phạm trong lĩnh vực xâm hại tình dục trẻ em ở ngành du lịch là các đối tượng lợi dụng chính sự mở cửa, hội nhập du lịch giữa các quốc gia để dễ dàng tiếp cận trẻ em và thực hiện xâm hại. Bên cạnh đó, tận dụng những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, các đối tượng thường di chuyển rất nhanh chóng, tránh được việc bị phát hiện và đưa ra công lý.

Trình bày về những đổi mới trong Bộ Luật hình sự đối với người phạm tội bóc lột tình dục trẻ em, ông Trần Văn Dũng – Phó Cục trưởng Cục Hành chính Bộ pháp luật Tư pháp Việt Nam cho biết, trong quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 đã hoàn thiện và bổ sung thêm nhiều điểm mới như: Quy định về hành vi phạm tội của các đối tượng không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn đối với những đối tượng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam hành vi phạm tội tình dục với trẻ em phải là giao cấu giữa người khác giới với trẻ em nhưng theo quy định của bộ luật mới năm 2015, hành vi giao cấu phạm tội bao gồm cả người đồng giới giao cấu với trẻ em.

Những sáng kiến để bảo vệ trẻ em trong hoạt động du lịch

Ông Christopher Batt, phụ trách Văn phòng cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Trọng tâm các nỗi lực phòng chống bóc lột tình dục trẻ em trong Du lịch và Lữ hành của chính phủ Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan, và Việt Nam là cải cách pháp luật và tư pháp. Việc sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và một số luật khác có liên quan của Việt Nam hiện nay nhằm tăng cường cơ sở pháp lý để đấu tranh với tội phạm bóc lột tình dục trẻ em. “Các đối tượng tội phạm du lịch tình dục trẻ em thường lợi dụng khả năng di chuyển dễ dàng và sự hội nhập ngày càng mở rộng giữa các Quốc gia hiện nay để tăng cường tiếp cận trẻ em và thực hiện xâm hại. Chúng thường khai thác những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật và các biện pháp thực thi pháp luật đồng thời trốn tránh được việc bị phát hiện và nhiều đối tượng phạm tội này đã không bị đưa ra công lý”, ông Christopher Batt nhấn mạnh.

Ở Campuchia, bảo vệ trẻ em trong hoạt động du lịch cũng là vấn đề được quan tâm. Theo số liệu thống kê, từ tháng 1 đến tháng 9/2016, cả nước đã xảy ra 20 vụ buôn bán người, 42 vụ xâm hại tình dục đối với người có độ tuổi dưới 18. Bà H.E Chan Sotheavy, Quốc Vụ Khanh, Bộ Tư Pháp Campuchia chia sẻ: “Trước đây, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em diễn ra khá nhiều, tội phạm có thể là khách du lịch hoặc chính người bản địa. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để xóa bỏ tình trạng này”.

Thái Lan được biết đến là một “Thiên đường du lịch”, khách du lịch trong nước và quốc tế mang lại nguồn thu đáng kể cho GDP cho “đất nước chùa vàng”. Việc bảo vệ trẻ em bởi tình hình phạm tội ở lĩnh vực xâm hại tình dục trẻ em trong du lịch được đặc biệt quan tâm. Tại kỳ họp, ngoài những điều luật được bổ sung, đại diện đoàn Thái Lan đưa ra những chiến lược và thành công bước đầu mà Đội đặc nhiệm của Thái Lan về Tội phạm Internet với trẻ em (TICAC) đã đạt được. Tuy mới thành lập chưa lâu, nhưng TICAC đã giải quyết hàng chục vụ án xâm hại tình dục trẻ em và xử lí nghiêm minh. Dự án này nhận được sự chú ý và ủng hộ từ đông đảo các đại biểu.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh