Hơn 6,7 tỷ đồng tôn tạo Khu di tích Óc Eo
- Văn hóa - Giải trí
- 17:25 - 14/09/2016
Việc đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo Khu di tích văn hóa Óc Eo, nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo tồn di vật; tôn tạo mỹ quan cho khu di tích; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho di tích quốc gia đặc biệt, phục vụ việc xây dựng hồ sơ di sản để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Một góc tháp tại Khu di tích văn hóa Óc Eo -Ba Thê (An Giang).ảnh IE
Tên gọi Óc Eo được nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret đặt theo tên địa điểm gò Óc Eo, ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, khi di tích này được phát hiện và công bố năm 1942. Từ năm 1944 đến nay, nhiều di tích ở khu vực này đã được khai quật, như: Giồng Cát, Giồng Xoài, Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Da, Gò Út Trạnh, Nam Linh Sơn, Gò Cây Me, Gò Tư Trâm, Gò Út Nhanh, di chỉ Đá Nổi…
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã phát hiện lưu giữ hơn 270 hiện vật; trong đó, có 196 hiện vật bằng vàng, 47 hiện vật bằng đất nung, 22 hiện vật bằng đá như: gạch, đá, con dấu, tượng Phật, tượng thần, đồ trang sức nhẫn, hoa tai bằng vàng, đồ gia dụng bếp lò, bình gốm, chậu, nồi nấu kim loại, đèn, bi ký, tư liệu thư tịch...
Trang sức bằng vàng được tìm thấy tại Khu di tích Óc Eo -Ba Thê.ảnh: IE
Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiểu biểu đó, di tích Óc Eo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu di tích quốc gia, với ba cụm di tích: Kiến trúc nghệ thuật Hai Bia đá và tượng Phật bốn tay được xếp hạng năm 1989; di tích khảo cổ Nam Linh Sơn tự và Gò Cây Thị được xếp hạng năm 2002.