THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:02

Đặc sắc văn hóa Óc Eo

Dấu ấn nền văn minh cổ đại

 Văn hóa cổ đại Óc Eo ban đầu được phát hiện ở cánh đồng khu vực núi Ba Thê (An Giang), sau đó được mở rộng ra phạm vi các địa phương như: Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ...

Nằm trên địa bàn hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), Gò Tháp là vùng đất mới được lớp cư dân Việt từ đàng ngoài và vùng Ngũ Quảng vào khai hoang lập nghiệp theo chủ trương mở cõi của Chúa Nguyễn từ những năm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

Hiện dấu vết còn lại là khu di tích gồm quần thể gò, tháp, mộ... trải rộng trên diện tích chừng 300ha, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử độc đáo.Đặc sắc văn hóa Óc Eo

Bảo tàng Đồng Tháp đang lưu giữ và trưng bày những giá trị lịch sử  văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu với nhiều bộ sưu tập quý hiếm. Đặc biệt là các bộ sưu tập nền văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa cổ đại phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI sau công nguyên như:

Bộ sưu tập tượng Phật bằng gỗ, tượng Thần Visnu, Linga-Yoni, bàn mài, gốm... phản ảnh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của cư dân Óc Eo. Trong đó có bộ sưu tập vàng đặc biệt quý hiếm đang được đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Bộ sưu tập hiện vật vàng được phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia đặc biệt khảo cổ - kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp, là bộ sưu tập nhiều nhất về số lượng, phong phú về hình dáng và nội dung nghệ thuật chạm khắc... phản ánh đậm nét về đời sống vật chất và tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân văn hóa Óc Eo.

Nét đặc trưng không thể lẫn vào đâu được là trên các lá vàng luôn được chạm khắc hình ảnh  thần Vishnu, bò thần Nandin, lợn thần Vahara, chim thần Garuda, rắn thần Shesha, rùa thần Kurma, bánh xe Chakra, ốc Sankha, đinh ba, hình trăng khuyết, hoa sen, hoa súng...

Theo nhiều nhà nghiên cứu, văn hóa Óc Eo chịu sự ảnh hưởng lớn của Hindu giáo. Hindu giáo thờ ba vị thần chính là Brahma (thần Sáng tạo),Visnu (thần Bảo tồn) và Shiva (thần Hủy diệt).

Trong đó, thần Visnu được cư dân Óc Eo tôn thờ hơn cả bởi họ quan niệm thần Visnu có thể che chở bảo vệ, cứu giúp mọi người khỏi mọi khổ đau trong xã hội và phổ độ chúng sinh. Chính vì thế, đề tài trang trí hình tượng thần Visnu luôn có trong các tác phẩm điêu khắc, đồ trang sức của người cổ đại.Đặc sắc văn hóa Óc Eo

Bộ sưu tập nghệ thuật đa dạng

Trong bộ sưu tập trang sức bằng vàng: Nhẫn, khuyên tai và sợi dây vàng,  đặc biệt có một chiếc nhẫn vàng có trọng lượng 5 chỉ 51 phân, chạm khắc ốc Sankha rất tinh xảo.

Bộ sưu tập mang giá trị khoa học và văn hóa nghệ thuật cao, là hiện vật gốc độc bản, phản ánh trình độ  nghệ thuật chạm khắc tinh xảo đầy tính nghệ thuật.

Ngoài ra đồ  gốm, đồ trang sức, các tượng thần, tượng phật bằng đá, gỗ và một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam bộ đã cho thấy có sự giao thoa  của nhiều văn hóa lớn diễn ra tại đây.

Những hiện vật trong bộ sưu tập này thu được từ các cuộc khai quật khảo cổ qua các năm 1984, 1993, 2009, 2010, 2013 tại Di tích quốc gia đặc biệt khảo cổ-Khu kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là những đồ trang sức của các cư dân cổ ở vương quốc Phù Nam xưa, là những hiện vật gốc, độc bản, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc vàng của các nghệ nhân Óc Eo, đồng thời minh chứng phần nào cho sự phát triển của kinh tế của văn hóa Óc Eo trong lịch sử.

Đặc sắc văn hóa Óc Eo

Ảnh bài viết: Bộ sưu tập bằng vàng được lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Tháp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Giàu, Giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp: Hiện nay bảo tàng lưu giữ trên 27.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật gồm nhiều chất liệu khác nhau như giấy, vải, kim loại, đá, gỗ, gốm, các bộ sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa (trong 27.000 hiện vật có gần 18.000 hiện vật là mảnh gốm thu được qua các đợt khai quật khảo cổ).

Trong số đó, bảo tàng sử dụng gần 2.000 hiện vật gốc để phục vụ công tác trưng bày cố định, số hiện vật còn lại phục vụ công tác trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động và  nghiên cứu khoa học.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đồng Tháp, chia sẻ:  “Bên cạnh công tác lưu giữ, bảo tồn, ngành văn hóa địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của đơn vị.

Việc giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa của địa phương, đặc biệt là công tác quảng bá bảo vật quốc gia, các bộ sưu tập cổ vật, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa không chỉ thu hút công chúng đến tham quan, mà còn thu hút nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong nước, quốc tế”.

Nhiều nhà khoa học đã đánh giá những di tích Óc Eo và di vật được tìm thấy, đã khẳng định sự phát triển ở trình độ cao về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam bộ xưa.

Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp là Louis Malleret đề nghị đặt cho một địa điểm nằm ở huyện Thoại Sơn (An Giang). Nơi đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam (thế kỷ  I đến VII).

Óc Eo đã từng được nối bằng kênh đào dài 90km về phía Bắc với Angkor Borei, kinh đô của vương quốc Phù Nam. Sự thịnh vượng của Óc Eo là do vị trí của nó trên trục đường thương mại trên biển giữa một bên là bán đảo Mã Lai và Ấn Độ, còn bên kia là sông Mêkông nối với Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.

Vào thời kỳ phồn thịnh của Óc Eo, tàu thuyền vào ra tấp nập ở khu vực  này.

Ngọc Tánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh