CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:06

Năm 2016, Nhật Bản sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông


máy bay P-3C Orion của Nhật Bản. Ảnh: AirlinersMáy bay P-3C Orion của Nhật Bản. Ảnh: Airliners

Theo tờ Yomiuri, Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) quyết định, máy bay tuần tra P-3C trên đường trở về sau chiến dịch chống cướp biển ở Somalia sẽ bay trung chuyển qua một số điểm trên Biển Đông như Philippines, Việt Nam và Malaysia để nạp nhiên liệu.

P-3C đã tham gia chiến dịch ở Somalia nhiều năm qua và chủ yếu nạp nhiên liệu tại các căn cứ ở Singapore và Thái Lan, nằm xa vùng tranh chấp trên Biển Đông.

Do vậy, quyết định mới nhất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tác động đáng kể đến tình hình ở một trong những tuyến đường thủy thương mại quan trọng nhất thế giới. Điều này cũng phản ánh sự lo ngại của Tokyo khi Bắc Kinh tăng cường hành động để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

Bước đi nhỏ nhưng đầy tính toán

Trên danh nghĩa, Nhật Bản nói việc P-3C đáp ở các nước chỉ để nạp nhiên liệu. Tuy nhiên, theo The Diplomat, với năng lực quan sát và do thám hiện đại, sự hiện diện của P-3C ở những khu vực trên sẽ giúp nước này có cái nhìn bao quát hơn về tình hình Biển Đông. Do vậy, sự lo ngại của Bắc Kinh trước động thái của Tokyo là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, triển khai máy bay P-3C có thể là một phần trong những thỏa thuận giao lưu quân sự giữa Nhật Bản với một số quốc gia. Các địa điểm tờ Yomiuri nêu như vịnh Cam Ranh (Việt Nam), đảo Palawan (Philippines) và Labuan (Malaysia).

Việc P-3C có thể đến Cam Ranh từ tháng 2, là kết quả từ thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đến Việt Nam hồi tháng 11/2015.

Trong khi đó, đảo Palawan của Philippines nằm cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 160 km, còn đảo Labuan nằm đối diện với phần phía nam của Biển Đông.

Philippines đang xây căn cứ ở vịnh Oyster ở Palawan. Sau khi hoàn thành, cơ sở này sẽ tiếp nhận nhiều tàu hải quân và đặt trạm radar để theo dõi tình hình Biển Đông.

Philippines và Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên vào năm 2015. Tokyo đang hợp tác tốt với Manila, trong đó có hỗ trợ tàu để tăng cường năng lực đội tuần duyên Philippines.

Đảo Labuan cũng là lựa chọn có tính toán của Nhật Bản khi muốn đưa máy bay tuần tra đến. Mỹ và Malaysia đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận nhằm cho phép triển khai các máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ (như P-8 Poseidon và P-3 Orion) đến căn cứ hải quân của Malaysia tại đảo này. Kuala Lumpur cũng ngày càng lo ngại việc tàu Trung Quốc xuất hiện gần vùng biển của nước này.

Nhật Bản sẽ tăng hiện diện ở Biển Đông năm 2016?
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một hoạt động với tàu Philippines. Ảnh: AP

Nhật Bản sẽ tham gia nhiều hơn?

Tờ Yomiuri nhận định, việc điều P-3C là cách mà Tokyo góp phần vào nỗ lực nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tiếp nối việc Mỹ điều tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo của Việt Nam do Trung Quốc bồi lấp trái phép. Dù Mỹ và Nhật Bản chưa có kế hoạch tuần tra chung, hai nước đang tăng cường điều phối các hoạt động trong khu vực, bao gồm tổ chức cuộc tập trận chung ở Biển Đông hồi tháng 10/2015.

Theo phân tích của công ty tình báo Stratfor, việc luân phiên đưa P-3C chỉ là bước đi nhỏ của Nhật Bản. Giới quan sát tin rằng Tokyo đang chuẩn bị cho những cuộc tuần tra chung với Mỹ, từ sau khi Quốc hội Nhật Bản thông qua những cải cách về chính sách quốc phòng hồi tháng 9/2015, cho phép JSDF triển khai lực lượng để hỗ trợ đồng minh.

Tuy nhiên, Tokyo phải quản lý khéo léo những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với các nước đối tác, như ký ức đau thương do phát xít gây ra từ Thế chiến 2. Việc Nhật Bản đầu tư nguồn lực được các nước Đông Nam Á hoan nghênh, nhưng tiến tới hợp tác quân sự có thể xem là bước tiến quá nhanh. Đến nay, những cuộc thảo luận giữa Tokyo và Manila để thiết lập Thỏa thuận lực lượng viếng thăm, cho phép JSDF triển khai lực lượng đến Philippines, chưa đạt kết quả. Dư luận Philippines vẫn có nhiều ý kiến phản đối.

Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng với việc P-3C đến Biển Đông. Những hành động có thể lường trước như Bắc Kinh sẽ phản đối và cáo buộc Tokyo gây phức tạp tình hình ở Biển Đông.

AP (TH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh