THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 02:41

Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Khánh Hòa

Phát biểu khai mạc hội thi, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban tổ chức Hội thi nhấn mạnh: Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, xuất phát từ truyền thống giàu lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hòa giải ngày càng được phát huy và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội ngoài Tòa án. Trong quá trình hòa giải, với uy tín, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, các hòa giải viên luôn là cầu nối kết nối tình đoàn kết, yêu thương, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn một cách “thấu tình đạt lý”.

 Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban tổ chức Hội thi

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban tổ chức Hội thi

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%.

Với chủ trương tăng cường quyền làm chủ của người dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải ở cơ sở, yêu cầu công tác này cần phải được tiếp tục quan tâm, đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ, giải pháp: “Phát huy đúng vai trò giám sát, phản biện xã hội, các hình thức tự quản của cộng đồng, các phương thức hòa giải cấp cơ sở”; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 xác định nhiệm vụ: “Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng quy định”.

Để nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác này; biểu dương, vinh danh và tạo sân chơi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công 3 Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc.

Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho 17 đội tham gia Hội thi

Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho 17 đội tham gia Hội thi

Đối tượng tham dự thi phải là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đã đạt giải cao tại Hội thi Hòa giải viên giỏi của các tỉnh, thành phố hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho địa phương mình. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung trong chọn 1 đội thi gồm 3 thành viên chính thức, 1 thành viên dự bị, trong đó 1 người làm đội trưởng. Đối với phần thi giới thiệu, tiểu phẩm, các đội thi có thể huy động tối đa 5 người tham gia các vai phụ.

Về hình thức thi: Thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa. Mỗi đội thi tham gia 3 phần thi, gồm:

Phần thi giới thiệu trong thời gian tối đa 5 phút, tổng số 20 điểm. Đội thi giới thiệu về các thành viên; đặc thù và tình hìnhcông tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức phù hợp (kể chuyện, thơ, ca, hò, vè...).

Phần thi lý thuyết gồm thi hiểu biết, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, tối đa 10 giây chuẩn bị cho mỗi câu hỏi trắc nghiệm và thi hòa giải khéo tối đa có 4 phút chuẩn bị và trả lời, tổng số 40 điểm. Đội thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và đưa ra phương án hòa giải 1 tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật do Ban Tổ chức Hội thi đặt ra.

Phần thi tiểu phẩm trong thời gian tối đa 7 phút, tổng số 40 điểm. Đội thi dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực.

Nội dung thi gồm: Các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên; Pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; Quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, như: dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Ban tổ chức tặng hoa Ban Giám khảo Hội thi

Ban tổ chức tặng hoa Ban Giám khảo Hội thi

Hội thi được tổ chức thành 2 vòng, gồm: Vòng thi khu vực và Vòng thi toàn quốc. Vòng thi khu vực được tổ chức theo 3 khu vực miền Bắc, miền Trung -Tây Nguyên và miền Nam trong tháng 9/2023. Kết thúc 3 Vòng thi khu vực, các đội thi đạt giải Nhất, Nhì, Ba của Vòng thi khu vực sẽ được lựa chọn vào Vòng thi toàn quốc, với tổng số 15 đội thi. Địa điểm tổ chức Vòng thi toàn quốc tại Thành phố Hà Nội. Thời gian thi dự kiến tổ chức vào tuần đầu tháng 11/2023, đây là sự kiện nổi bật hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về giải thưởng, Ban Tổ chức quyết định giá trị giải thưởng tại các Vòng thi khu vực là 20 triệu đồng đối với giải Nhất, 15 triệu đồng đối với giải Nhì, 8 triệu đồng đối với giải Ba và 1 triệu đồng đối với giải Khuyến khích. Giải thưởng của Vòng thi toàn quốc là 1 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng, 2 giải Nhì trị giá 20 triệu đồng, 3 giải Ba trị giá 10 triệu đồng và 6 giải Khuyến khích trị giá 2 triệu đồng.

Ngoài ra, các đội thi được tặng cờ lưu niệm của Ban tổ chức Hội thi. Các hòa giải viên là thành viên chính thức của đội thi đạt giải Nhất, Nhì Vòng thi toàn quốc sẽ được Ban Tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xét tặng Bằng khen hoặc các hình thức khen thưởng phù hợp khác. 

Màn thi phần chào hỏi của đội tỉnh Quảng Nam.

Màn thi phần chào hỏi của đội tỉnh Quảng Nam.

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh