Hội thảo Công tác phòng chống tội phạm học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Phải có định hướng tốt nhất
- Pháp luật
- 05:46 - 30/06/2017
Các đại biẻu tham dự hội thảo
Hội thảo diễn ra trong thời gian một ngày, các đại biểu cùng nhau thảo luận một số nội dung liên quan như: tình hình phòng chống tệ nạn xã hội trong giai đoạn hiện nay và hệ thống pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội; nội dung, định hướng và một số vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống tội phạm học đường… Đặc biệt, tại hội thảo này, các đại biểu giành nhiều thời gian để nói về tác hại của ma tuý học đường- một tệ nạn đang xâm nhập ngày càng sâu vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, phát biểu khai mạc hội thảo
Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã khái quát rất rõ về tình hình tội phạm học đường. Các loại ma túy mới tinh vi, các tụ điểm dễ có tệ nạn ma túy để các đại biểu có định hướng thảo luận: “Hiện nay xuất hiện rất nhiều loại ma túy mới rất tinh vi. Các tụ điểm như quán ba, nhà hàng, khách sạn là những tụ điểm dễ có xuất hiện các loại ma túy. Chúng ta phải có sân chơi học đường, để học sinh có sân chơi. Lịch học tập cũng cần thiết, để học sinh không có thời gian dư thừa nhiều. Cần có nhiều biện pháp phòng chống, nếu không trong tương lai học đường sẽ có ma túy và các tệ nạn khác”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, trăn trở.
Báo cáo tại hội thảo cho biết hiện nay tỷ lệ học sinh, sinh viên sử dụng ma tuý đá dưới dạng kẹo, tem giấy đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong các quán bar, nhà hàng, gây nên những hậu quả nặng nề.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về hệ thống pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội, định hướng và một số vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống tội phạm học đường.
Báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, trong những năm qua, tình hình tội phạm trên địa bàn toàn quốc diễn biến phức tạp. Đã phát hiện khoảng 2.000 điểm và gần 300 tụ điểm ma tuý, hoạt động mua bán lẻ, tổ chức sử dụng ma tuý ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn diễn ra phức tạp.
Tại các thành phố, khu đô thị, hiện tượng sử dụng ma tuý tổng hợp tại các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ đang có xu hướng gia tăng. Trong đó học sinh sinh viên tham gia chiếm tỷ lệ cao.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, hiện có 321 học sinh, sinh viên nghiện ma tuý; số người nghiện trong độ tuổi vị thành niên trên toàn quốc là 2.718 em. Đã phát hiện số vụ mua bán, vận chuyển ma tuý có sự tham gia của học sinh sinh viên, điển hình: Công an tỉnh Nghệ An bắt 02 đối tượng là sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nghệ An vận chuyển 700 viên ma tuý tổng hợp.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Công an đã có những phân tích về các loại ma túy mới du nhập vào Việt Nam và sự nguy hiểm của từng loại ma túy khác nhau. Các cảnh báo và cách phòng chống các loại ma túy.
: Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước, đều trăn trở về việc tạo các sân chơi cho sinh viên, học sinh. Thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao để học sinh, sinh viên có những đam mê lành mạnh mà tránh xa tệ nạn xã hội. Cần có nhiều biện pháp quản lí học sinh, sinh viên để sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng học sinh, sinh viên sa vào tệ nạn xã hội.
Báo cáo về thực trạng và phương hướng giảm thiểu tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đồng chí Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, cho biết, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 7.000 người nghiện và 410 xã có người nghiện. Trong đó tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng tỷ lệ học sinh, sinh viên có sử dụng ma tuý chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đặc biệt tỷ lệ học sinh, sinh viên sử dụng ma tuý đá dưới dạng kẹo, thuốc, tem giấy đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt trong các quán bar, nhà hàng, gây nên những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập, tương lai của chính các em, ông Thắng, phát biểu: “Nghệ An đã triển khai các giải pháp đồng bộ như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tệ nạn ma tuý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên hình thành ý thức tự giác trong việc chấp hành pháp luật trong nhà trường cũng như ngoài xã hội. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật xung quanh trường học. Đồng thời tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh trong công tác quản lý và giáo dục học sinh, sinh viên trong và ngoài nhà trường”.
Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: “Diễn biến về tệ nạn và tội phạm ma tuý hiện nay đang có những diễn biến ngày càng phức tạp bởi các đối tượng nghiện đang có xu hướng tìm đến những dạng ma tuý đá, dưới dạng kẹo, thuốc...gây nên tình trạng ảo giác, loạn thần, rất nguy hiểm cho chính bản thân đối tượng và cộng đồng. Cai nghiện có thành công nhưng rất khó, dạng bệnh mãn tính về nghiện ma tuý không phải vô phương cứu chữa. Qua hội thảo này mong muốn các chuyên gia và các nhà khoa học cần nghiên cứu các phương pháp điều trị cắt cơn giải độc hiệu quả để giảm thiểu tình trạng mãn tính đối với người nghiện ma tuý.”
Ông Đặng Cao Thắng, Phó giám đốc sở Lao động-Thương binh &xã hội Nghệ An, báo cáo tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đưa ra những giải pháp về phòng, chống tệ nạn về ma tuý học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cùng trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng chống ma tuý cũng như các tệ nạn xã hội trong nhà trường; từng bước tạo cho học sinh, sinh viên năng lực tự phòng tránh, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh trong tương lai.
Kết luận hội thảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Mai Thúy Nga, xúc động: “Có được sự quan tâm của nhiều bộ ngành và địa phương về vấn đề này là một ý nghĩa lớn. Nghe các đại biểu chia sẻ các kinh nghiệm, chúng ta biết được rằng chúng ta đã có được những gì, có những khó khăn gì, để chúng ta có định hướng tốt nhất công tác phòng chống tệ nạn xã hội. Nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề này thực sự, thì đó là chúng ta đang tuyên truyền một cách tốt nhất cho công tác dạy nghề”.