CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:05

Phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2016 - 2020: Lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm

Gia tăng tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm

Theo đánh giá của hội nghị, mại dâm là một vấn đề xã hội khó giải quyết không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tội phạm mại dâm, các tội liên quan đến mại dâm như chứa chấp, môi giới, mua dâm người chưa thành niên, đặc biệt là hành vi mua bán người với mục đích mại dâm gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng 3.673 người; Đông Bắc 913 người; Bắc Trung bộ 887 người; Đông Nam bộ 3.200 người; đồng bằng sông Cửu Long 1.374 người; các khu vực khác là 1.189 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chia sẻ, tệ nạn mại dâm làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương.

Hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm...; tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng không chỉ ở trong nước và ngoài nước.

Vận động tuyên truyền để người bán dâm từ bỏ nghề lầm lỗi.    Ảnh Chu Lương

Tiếp cận người bán dâm trên cơ sở tôn trọng quyền con người

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết: “Không phải cứ thích là ra đứng đường vẫy khách, mà gái mại dâm còn phải nộp tiền cho “bảo kê”, phải có tiền mới ra đứng đường được. Nhiều trường hợp gái mại dâm muốn bỏ trốn, nhưng không thể trốn được. Có trường hợp gái mại dâm ở Đồ Sơn (Hải Phòng), bỏ trốn lên đến Hải Dương, thì bị bắt quay trở lại. Điều này chứng tỏ tội phạm mại dâm rất tinh vi, với đường dây, chân rết rộng rãi, phức tạp. Thực tế hiện nay không chỉ có nam giới mà nữ giới cũng đi mua dâm, tỉ lệ nữ giới mua dâm ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc”.

Đối với mại dâm là nữ giới, ông Lập cho biết, nhiều người tỏ ra e ngại, nhất là khi thuyết phục họ từ bỏ nghề quay về địa phương, bởi họ sợ bị kỳ thị. “Có người nói với tôi rằng thà bỏ nghề chứ không bao giờ trở về quê. Còn đối với mại dâm nam thì tỏ ra khá bình tĩnh, khi tiếp xúc có người trả lời thẳng thắn: “Không sợ bị bắt, vì cơ quan chức năng giỏi lắm thì chỉ tạm giữ không quá 24 giờ”, ông Lập chia sẻ.

Nhằm ngăn chặn sự gia tăng, tiến tới giảm thiểu tệ nạn mại dâm, giảm tác hại của mại dâm đối với cộng đồng và đối với người hoạt động mại dâm; đảm bảo các quyền cơ bản trong việc hỗ trợ người hoạt động mại dâm hòa nhập, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng để họ tiếp cận được các dịch vụ xã hội... đặc biệt tạo cơ hội để họ tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Theo đó, Chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 sẽ lấy phòng ngừa làm trọng tâm. Chú trọng đến các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội; tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế (người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm) vào hệ thống an sinh xã hội; từng bước xã hội hóa cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội vào công tác phòng ngừa mại dâm. Đồng thời, chương trình hướng đến tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng chống mại dâm, giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.

Chương trình phấn đấu đến năm 2017 có 50% và đến năm 2020, 100% các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như: Chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: “Cần phải đưa ra những giải pháp ứng phó với tình hình mại dâm hiện nay. Trước tiên là rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật sao cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức, không chỉ đối với người bán dâm mà còn đối với chính những người làm công tác hỗ trợ, giảm hại. Làm thế nào để tiếp cận được với người bán dâm trên cơ sở tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư. Tiếp đến là đào tạo tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ làm quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ”.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm yêu cầu trong năm 2016, các địa phương phải phấn đấu được 3 tăng, 2 giảm trong phòng, chống mại dâm. Cụ thể, tăng số lượng các tỉnh có kết nối với mạng lưới người bán dâm, từ đó nắm được thực trạng mại dâm hiện nay. Tăng số người được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe định kỳ. Tăng số người được tiếp cận với việc học nghề, vay vốn, tạo việc làm. Giảm được số ca lây nhiễm HIV qua đường tình dục; giảm được các vụ việc liên quan đến buôn người vì mục đích mại dâm, các vụ môi giới, bạo lực đối với người bán dâm.

Để làm được điều này, các địa phương cần chủ động tìm giải pháp, bám chắc vào các quan điểm, giải pháp chung đã được đưa ra trong Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 361/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

CHU LƯƠNG/Báo lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh