THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:37

Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam: Chủ động, tích cực đền ơn đáp nghĩa

 

*Xin ông cho biết Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã có những hoạt động gì để hỗ trợ gia đình các liệt sĩ?

Sau gần 7 năm hoạt động, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã làm được nhiều việc có ý nghĩa thiết thực để hỗ trợ gia đình các liệt sĩ.  Hội đã động viên các gia đình liệt sĩ, các đồng đội của liệt sĩ, các tổ chức của Hội ở địa phương và nhân dân vùng chiến trường xưa tích cực cung cấp thông tin về liệt sĩ, tích cực phối hợp trong công tác tìm liếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc. Bản thân Hội đã thu thập, khai thác gần 30.000 thông tin về liệt sĩ, đã chủ động phân tích, khớp nối và hỗ trợ tìm kiếm được trên 2.000 bộ hài cốt liệt sĩ.

 Với nhiệm vụ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Hội đã tham gia rất chủ động và tích cực. Hội đã hợp tác với các cơ sở khoa học có chức năng giám định ADN để hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho các gia đình, tiếp nhận và hỗ trợ miễn phí việc giám định ADN  hài cốt liệt sĩ cho hơn 700 gia đình. Gần đây, được Ban Chỉ đạo Nhà nước giao cho Hội tổ chức việc xác định danh tính cho từng nhóm mộ, Hội đã trực tiếp khai quật  6 đợt với hơn 120 mộ tại các nghĩa trang phía Nam, đồng thời tổ chức đi các tỉnh thành xác minh , lấy hàng ngàn mẫu sinh của thân nhân liệt sĩ. Toàn bộ số mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm của thân nhấn liệt sĩ nói trên đã và đang được giám định. Kết quả gần 7 năm qua, Hội đã xác định được chính xác danh tính hơn 500 liệt sĩ, tổ chức 29 đợt trao kết quả, mang lại niềm vui lớn cho nhiều gia đình liệt sĩ và đồng đội, được dư luận xã hội đánh giá cao. 

Về công tác hỗ trợ các gia đình liệt sĩ còn khó khăn trong cuộc sống, Hội  đã tạo nguồn kinh phí tặng 230 ngôi nhà tình nghĩa, hơn 2.000 sổ tiết kiệm, gần 20.000 suất quà cho các gia đình liệt sĩ và Mẹ VNAH, hàng trăm suất học bổng cho con liệt sĩ vượt khó học giỏi ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước .

 

Ông Nguyễn Hùng Phong cùng Đoàn cán bộ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thăm mẹ Bùi Thị Ngon (96 tuổi)  ở thôn Yến Vỹ xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội


*Năm nay kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, cả nước đều hướng về các hoạt động tri ân đối với những đóng góp xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã có những hoạt động cụ thể gì?

Năm nay nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã xây dựng chương trình hoạt động đặc biệt để cùng với cả nước hướng về các hoạt động tri ân đối với những hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, tri ân sự hy sinh to lớn của các gia đình liệt sĩ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hội đã phối hợp với Công ty cổ phần tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức các cuộc viếng nghĩa trang liệt sĩ và đến thăm hỏi tặng quà trên 200 gia đình liệt sĩ tại các địa bàn lịch sử như Đại Từ (Thái Nguyên), Điện Bàn (Quảng Nam), Củ Chi ( Thành phố Hồ Chí Minh), Châu Thành (Tây Ninh). Các tổ chức Hội địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc đi thăm hỏi, khám bệnh phát thuốc, tặng quà các gia đình liệt sĩ, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Chúng tôi cũng đã tổ chức hai tổ công tác đi khảo sát, thẩm định và tổ chức khai quật hai nhóm mộ liệt sĩ chưa biết tên tại hai nghĩa trang thuộc tỉnh Quảng Trị để lấy mẫu hài cốt đưa về Viện Pháp y quốc gia giám định mà Hội đã ký kết hợp đồng, để kịp trả lại tên cho các anh đúng dịp Tháng Bảy lịch sử năm nay.

Hội đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 tổ chức chương trình nhắn tin trong tháng 6 và tháng 7 để vừa gây quỹ tri ân liệt sĩ, vừa góp phần tuyên truyền cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.

Ngoài ra, Hội đã phối hợp với Báo Cựu chiến binh Việt Nam và các đối tác truyền thống tổ chức thành công cuộc thi viết về đề tài liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Trung ương Hội và Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các Tỉnh/ Thành hội Đồng Nai, Hải Phòng, Nghệ An … tổ chức các chương trình  giao lưu nghệ thuật tri ân các anh hùng liệt sĩ đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Hội đã xuất bản cuốn sách “Dòng sông tri ân”, phối hợp với Báo Cựu chiến binh Việt Nam  và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương xuất bản cuốn sách “ Sâu nặng ân tình” và phối hợp với Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức cuộc triển lãm về đề tài liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.

Cũng trong tháng 7/2017, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Yên Bái tổ chức Đại hội thành lập Hội của tỉnh để tạo thêm kênh xã hội hóa thiết thực trong công tác liệt sĩ và gia đình liệt sĩ ngay tại các địa phương.

 

Thu thập mẫu sinh phẩm để giám định ADN hài cốt liệt sĩ

 

*Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm nhưng nỗi đau của bao gia đình liệt sĩ và cũng là niềm đau đáu của cả dân tộc Việt Nam vẫn còn đó khi vẫn còn hàng trăm ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, hàng trăm ngàn mộ liệt sĩ đã quy tập nhưng chưa biết tên. Xin ông cho biết, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã có những hoạt động gì hỗ trợ tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin?

Hiện nay đất nước chúng ta còn khoảng 200 ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Nhà nước đã có Đề án 1237 xác định quyết tâm tìm kiếm quy tập số hài cốt liệt sĩ đó. Hội Chiến tranh đã qua lâu, điều kiện mai táng liệt sĩ trong nhiều trận đánh rất khẩn trương gấp gáp; không ít anh em mình hy sinh nơi biển khơi hoặc trong lòng địch rất khó khăn trong tìm kiếm; địa hình, địa vật nơi mai táng đã thay đổi rất nhiều; các nhân chứng nay tuổi đã rất cao, trí nhớ giảm sút...là những khó khăn trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hiện nay. Tuy vậy, cán bộ, hội viên các tổ chức Hội cũng như Trung tâm thông tin tìm hài cốt liệt sĩ trực thuộc trung ương Hội đang nỗ lực miệt mài khai thác chắt chiu tỉ mỉ từng mẩu thông tin, chủ động khớp nối và phân tích để lần tìm ra manh mối, tích cực hỗ trợ cho các đội quy tập mộ liệt sĩ làm nhiệm vụ.

Hiện nay, có gần 300.000 mộ liệt sĩ đã quy tập vào nghĩa trang nhưng chưa biết tên. Nhà nước đã có Đề án 150 về nhiệm vụ xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Với tâm huyết, năng lực và kinh nghiệm của mình, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đang cố gắng làm hết sức mình cho nhiệm vụ cao cả này. Hội đã hướng dẫn, tư vấn chu đáo về thủ tục, hồ sơ, cách lấy mẫu hài cốt và mẫu đối chứng cho các gia đình liệt sĩ để giám định AND. Gần đây, được Ban chỉ đạo của Nhà nước giao nhiệm vụ, Hội đã trực tiếp tổ chức các tổ công tác đi khai quật từng nhóm mộ chưa biết tên trong các nghĩa trang liệt sĩ, đồng thời lần hồi hồ sơ của liệt sĩ tìm về các địa phương chọn đối tượng và trực tiếp lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân làm mẫu đối chứng đưa đi xét nghiệm.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của bao gia đình liệt sĩ và cũng là niềm đau đáu của cả dân tộc Việt Nam vẫn còn đó. Khoảng hai trăm ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và khoảng ba trăm ngàn mộ liệt sĩ đã quy tập nhưng chưa biết tên đã nói lên nhiệm vụ vô cùng lớn của tất cả chúng ta. Các tổ chức Hội với hàng chục ngàn hội viên mà phần lớn là những đồng đội của liệt sĩ, đang nỗ lực ngày đêm, làm việc hết mình, cùng với cả hệ thống chính trị chung tay chăm lo thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ to lớn này, một nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện cụ thể của đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

*Xin trân trọng cảm ơn ông!

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh