THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:22

Hoạt động buôn bán người diễn biến phức tạp

 

Nhiều quái chiêu lừa phụ nữ

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Sơn La) đã bắt giữ 3 đối tượng: Giàng A Chiu (sinh năm 1989), Giàng A Vù (SN 1987) và Lờ A Khài (SN 1992), cùng có hộ khẩu thường trú tại xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) về hành vi mua bán người. Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La nhận được tin báo của gia đình nạn nhân về việc có dấu hiệu “mua bán người” xảy ra tại xã Phiêng Cằm (huyện Mai Sơn). Qua công tác rà soát, tìm kiếm trên địa bàn, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ các đối tượng trên.

Tại cơ quan Công an, đối tượng Lờ A Khài khai nhận đã rủ Chiu và Vù cùng tham gia lừa gạt phụ nữ đưa sang Trung Quốc bán lấy tiền chia nhau. Với thủ đoạn lừa gạt tình cảm và hứa hẹn sẽ có cuộc sống sung sướng, không phải làm lụng vất vả, các đối tượng đã dụ dỗ được Vàng A Song (SN 1992) và    Giàng A Xênh (SN 1999), đều có hộ khẩu thường trú tại xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đi theo bọn chúng.

Cũng với thủ đoạn lừa yêu, đối tượng Giàng Seo Vu (xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã sang tận Hà Giang, giả vờ yêu rồi dẫn người nhà đến hỏi cưới cô gái trẻ ở huyện Xín Mần. Khi bên nhà gái đã yên tâm về chàng rể quý thì Vu dẫn cô dâu sắp cưới sang Trung Quốc bán.

Trường hợp khác, đối tượng Phàn Vần Xà (25 tuổi), trú tại xã Thắng Mố (huyện Yên Minh, Hà Giang) đã cùng đồng bọn lừa bán các cô gái trẻ sang các động mại dâm bên Trung Quốc, sau đó dụ các cô trốn ra, rồi giả làm "người hùng cứu mỹ nhân", bán tiếp các cô vào sâu bên trong nội địa.

Đối tượng Đào Văn Dương, trú tại xã Nhật Tựu (huyện Kim Bảng, Hà Nam) lại đóng giả một trùm buôn quần áo Lạng Sơn - Hà Nội, đến các quán bar, cà phê, vờ "vung tiền" để mua chuộc tình cảm của những sinh viên nghèo đi làm thêm tại các quán. Khi đã chiếm được tình cảm của các cô gái, Dương lừa bán các cô sang Trung Quốc. Khi bị Phòng PC45 Công an TP Hà Nội bắt giữ, Dương khai đã lừa 8 cô gái trẻ bằng thủ đoạn này.

Bộ đội Biên phòng Hà Giang tuyên truyền với người dân về tội phạm mua bán người.

Theo Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, từ năm 2011 đến hết tháng 6/2015, toàn quốc phát hiện 2.090 vụ, với 3.131 đối tượng, lừa bán 4.226 nạn nhân. So với cùng kỳ thời gian trước, tăng 22% số vụ (2.090/1.710) và 13,5% số nạn nhân (4.226/3.725). Điều đáng nói, các nạn nhân trong những vụ mua bán người chủ yếu được đưa ra nước ngoài bán (chiếm 85% số vụ), trong đó bị đưa qua Trung Quốc chiếm tới 70%, còn lại là bán sang Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan…

Nâng cao nhận thức, phòng ngừa hậu quả

Trước tình hình buôn bán người vô cùng phức tạp, Cục C45 cùng với công an các địa phương đã chủ động trong công tác nắm tình hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả, từng bước kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người. Trong đó, Cục C45 đã xác lập và phá 44 chuyên án, bắt 96 đối tượng, tiếp nhận và giải cứu 264 nạn nhân; chỉ đạo và phối hợp với công an các địa phương điều tra mở rộng 58 vụ án mua bán người, mua bán trẻ em phức tạp, bắt và xử lý 82 đối tượng, tiếp nhận và giải cứu 95 nạn nhân. Các đơn vị địa phương đã xác minh, giải cứu 1.873 nạn nhân, tiếp nhận thông qua trao trả 1.508 nạn nhân và 426 nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài tự trở về.

Chỉ trong 3 tháng cao điểm đợt tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc từ 1/7 đến 30/9/2015, Công an các địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện 96 vụ/159 đối tượng; khởi tố 89 vụ/158 bị can, đề nghị truy tố 52/103 bị can. Cùng thời gian này, cơ quan chức năng đã thống kê, lập danh sách 136 nạn nhân bị mua bán, xác định có 349 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do, trong đó có nhiều phụ nữ nghi đã bị mua bán (toàn quốc hiện có gần 30.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương chưa rõ lý do).

Theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), để có thể kìm chế sự gia tăng của loại tội phạm mua bán người, cần huy động được sức mạnh đồng bộ cả hệ thống chính trị của các ban, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền, chăm lo cho đời sống của người dân trên địa bàn, nhất là phụ nữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, các khu công nghiệp… “Chỉ khi công tác phòng chống tội phạm buôn người được chính quyền cơ sở quan tâm và có những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn cụ thể, thì loại tội phạm này mới không còn “đất” để hoạt động” - Trung tướng Phan Văn Vĩnh nhấn mạnh.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh