THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:21

Hoàn thiện đo lường nghèo đa chiều trẻ em ở Việt Nam

 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2006, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UNCEF, Tổng cục Thống kê đưa ra phương pháp đo lường nghèo đa chiều của trẻ em. Đây là bước đột phá mới trong cách tiếp cận giảm nghèo ở Việt Nam. Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều được sử dụng để nghiên cứu, đánh giá thực trạng về trẻ em nghèo theo từng nhu cầu phát triển của trẻ, là căn cứ để UNICEF khuyến nghị xây dựng các chính sách, chiến lược để tạo điều kiện cho trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần cho đến khi trưởng thành.

 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại cuộc họp.

 

Trong hai năm qua, UNICEF đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ LĐ-TB&XH thực hiện nghiên cứu: “Cải thiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều trẻ em và lồng ghép hài hòa với nghèo đa chiều chung”. Đây là một bước quan trọng hướng tới làm sáng tỏ mức độ thiếu hụt và dễ bị tổn thương cụ thể  mà trẻ em đang phải đối mặt bằng phương pháp đo lường nghèo đa chiều trẻ em (MDCP), và làm cho đo lường nghèo của hộ gia đình nhạy cảm hơn với những nhu cầu và tính dễ bị tổn thương ở trẻ em thông qua lồng ghép hài hòa một số chỉ tiêu nghèo đa chiều trẻ em vào nghèo đa chiều chung. Tuy nhiên, việc áp dụng đo lường nghèo đa chiều trẻ em mới chỉ dừng lại ở việc giám sát mức độ thay đổi trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của trẻ em, chưa được sử dụng trong việc xác định đối tượng thụ  hưởng chính sách giảm nghèo nói riêng và an sinh xã hội nói chung, cũng như chưa có nhiều đóng góp cho việc hoạch định chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cả nước cũng như tại các địa phương. Hiện nay, Việt Nam áp dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều là sự kết hợp giữa đo lường nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, tiếp cận thông tin. Trong đó có các chỉ số đo lường cơ bản tương thích với các chỉ số đo lường nghèo trẻ em đang được thực hiện.

Theo bà Lesley Miler, trong quá trình triển khai Kế hoạch Hành động thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền Vững (SDG), việc cần phải thể chế hóa phương pháp đo lường tính toán nghèo đa chiều trẻ em là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo việc giám sát theo dõi mục tiêu SDG được thực hiện một cách có hệ thống. Hơn nữa, lồng ghép MDCP vào đo lường nghèo nói chung cũng sẽ thúc đẩy các biện pháp chính sách. Như vậy, việc phân tổ các dữ liệu, phân tích khoảng trống và nắm bắt các rủi ro tiềm ẩn và thông tin của những trẻ em dễ bị tổn thương nhất là rất quan trọng trong việc cân nhắc các lựa chọn chính sách vì sự phát triển bền vững.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh