CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:19

Hoàn thiện chính sách để đời sống người có công ngày càng tốt hơn

 

 

Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi trao đổi với phóng viên Báo Lao động và Xã hội về việc triển khai thực chính sách đối với người có công với cách mạng.

* Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong quá trình 71 năm thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

-  71 năm qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Đến nay tuyệt đại bộ phận NCC đã được hưởng đúng, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Các cấp các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân tích cực tham gia chăm sóc NCC với cách mạng, từng bước ổn định nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCC, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, có tác dụng sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nói chung và các gia đình có công với cách mạng nói riêng.

Chính sách người có công lần đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành bằng Sắc lệnh số 20/SL ngày 16 tháng 2 năm 1947 qui định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Từ đó đến nay đã có hàng ngàn văn bản pháp qui được ban hành về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Từ năm 1986 đến nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, hệ thống pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Nhà nước đã đề ra nhiều văn bản luật ưu đãi xã hội đối với NCC, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với NCC, cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hai pháp lệnh này tạo thành hệ thống pháp luật về ưu đãi NCC.

 Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 đã được tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới và quá trình cải cách hành chính vào các năm 1998, 2000. Và đặc biệt vào năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng thay thế Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 vì không còn phù hợp, chưa thực sự công bằng, Chính phủ và các bộ cũng đã ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn.

Năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng năm 2005. Ngày 09/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng.

Chính sách ưu đãi NCC đã từng bước được hoàn thiện về các diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Đến nay, đã có 12 diện đối tượng NCC được quy định tại Pháp lệnh, điều kiện xem xét xác nhận đã được sửa đổi, bổ sung mở rộng nhằm đảm bảo xác nhận đúng và không bỏ sót đối tượng như đối với xác nhận liệt sĩ, thương binh…, đến nay, toàn quốc đã xác nhận trên 9 triệu lượt NCC, trong đó có gần 1.2 triệu liệt sĩ,  gần 500.000 thân nhân liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Các chế độ ưu đãi được quy định đối với từng diện đối tượng NCC, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của người có công và thân nhân. Bên cạnh đó NCC và thân nhân còn được hưởng các ưu đãi khác là: về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, cấp phương tiện chỉnh hình, phục hồi chức năng, bảo hiểm y tế, giáo dục đào tạo, tín dụng...

Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng từ ngân sách Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được duy trì và phát huy từ Trung ương đến địa phương hàng năm hàng nghìn tỉ đồng để tặng sổ tiết kiệm; xây, sửa nhà tình nghĩa; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng. Đến nay cả nước 98% số hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú, 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

 

Tuổi trẻ thắp nến tri ân người có công.


*Hiện nay chúng ta vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa được quy tập và chưa biết rõ thông tin. Vậy khó khăn lớn nhất trong công tác quy tìm kiếm, quy tập liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ mà chúng ta đang đối mặt là gì? Để giải quyết những khó khăn đó, Cục NCC đã tham mưu và triển khai những chủ trương, giải pháp cụ thể như thế nào?

- Đến nay, cả nước vẫn còn khoảng trên 200.000 hài cốt chưa được quy tập và khoảng trên 300.000 hài cốt liệt sĩ  đã quy tập nhưng chưa đầy đủ thông tin. Thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ, Bộ Quốc phòng và  Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực triển khai thực hiện. Hàng năm tìm kiếm quy tập hàng nghìn hài cốt liệt sĩ ở trong nước và nước ngoài, bằng thực chứng và giám định gen đã xác định hàng trăm danh tính liệt sĩ để báo tin tới thân nhân liệt sĩ.

Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đang gặp nhiều khó khăn như: Thiếu thông tin về liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ; hồ sơ, sơ đồ quy tập hài cốt liệt sĩ;  Địa hình, địa vật phức tạp và thay đổi nhiều; Số lượng hài cốt nhiều, nằn nhiều nơi ở trong nước và nước ngoài; số mẫu hài cốt và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ cần phân tích quá lớn;  Hài cốt liệt sĩ được án táng và di chuyển nhiều lần; hài cốt liệt sĩ được chôn cất trong thời gian quá dài (40-50 năm) nên phân hủy nhiều, chất lượng ADN lưu lại kém do vậy khó khăn cho việc lẫy mẫu và phân tích AND; Thân nhân liệt sĩ đại đa số tuổi đã cao, sức yếu, nên việc lấy mẫu sinh phẩm khó khăn cá biệt có những liệt sĩ không còn thân nhân để lấy mẫu theo dòng mẹ; Chưa có ngân hàng gen để lưu giữ và so sánh kết quả phân tích ADN của hài cốt liệt sĩ và sinh phẩm thân nhân liệt sĩ;  Chưa có quy trình chung trong việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin nên các đơn vị giám định chưa có sự thống nhất về quy trình; Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị giám định chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

 Để thực hiện hiệu quả công việc này, thời gian qua Cục NCC đã tham mưu, triển khai thực hiện các công việc cụ thể sau: Tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin;  Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin;  Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành, các cơ quan hữu quan thực hiện việc tiếp nhận thông tin về quy tập hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ để báo tin về liệt sĩ và phần mộ liệt sĩ cho gia đình liệt sĩ;  Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ở các nghĩa trang liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ chưa biết phần mộ liệt sĩ để phân tích và lưu giữ kết quả giám định ADN phục vụ công tác xác định danh tính liệt sĩ; Đẩy mạnh công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng thực chứng và giám định AND; Phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng, ban hành quy trình xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và ngân hàng gen để phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ; nâng cấp các cơ sở giám định; Chỉ đạo các địa phương phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện công tác xác định hài cốt liệt sĩ. Các địa phương đạt được hiệu quả cao trong việc xác định danh tính liệt sĩ là Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nghệ An...

*Trước sự phát triển như vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta đã có những áp dụng gì từ khoa học kỹ thuật vào công tác chăm sóc người có công cũng như tìm kiếm, quy tập, giám định danh tính liệt sĩ?

  Để thực hiện tốt công tác quản lý và thực hiện tốt công tác chăm sóc NCC, Cục Người có công đã ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật như: Cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ người có công; phần mềm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công; cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ; đang phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng Dự án cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ phục vụ người dân và thân nhân liệt sĩ tra cứu, cập nhật, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trong phạm vi cả nước; xây dựng ngân hàng gen để lưu trữ, đối khớp ADN hài cốt liệt sĩ và sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.

Xin cảm ơn ông!

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh