THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:02

Hoàn thiện các quy định để ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Hầu hết nạn nhân của quấy rối tình dục nơi làm việc là nữ giới.

 

78,2% nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ giới

Theo Báo cáo nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, chiếm phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và độ tuổi của các nạn nhân này (trong khoảng từ 18 đến 30).

 Ở Việt Nam, quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trong xã hội được nhìn nhận như một vấn đề nhạy cảm, khó nói nên có rất ít thông tin để chia sẻ. Tuy nhiên trên thực tế, những hình thức thể hiện của hành vi này lại vô cùng phong phú, có thể được biểu thị dưới dạng hành động, cử chỉ, lời nói và thậm chí là không bằng lời nói khiến cho “nạn nhân” hết sức bức xúc. Đơn giản có thể chỉ là cái liếc mắt đưa tình, hoặc nhìn chằm chằm vào một bộ phận nào đó trên cơ thể người khác giới hay nói bóng gió, gửi ảnh liên quan đến tình dục. Nguy hiểm hơn, đó có thể là sự động chạm một cách cố ý, hay có những hành động trên cơ thể người khác mà không được sự đồng ý của họ và tiến tới sẽ là việc đưa ra những “lời đề nghị khiếm nhã” hoặc có những hành động sàm sỡ, táo bạo ở nơi vắng người.

Điều đáng nói là hành vi sàm sỡ kiểu như trên xảy ra tương đối phổ biến nhưng lại thường bị bỏ qua nếu nó chưa thực sự gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hoặc hậu quả của hành vi rất khó để chứng minh. Báo cáo cũng đánh giá, phân tích nạn nhân bị quấy rối tình dục được chia thành 2 trường hợp, thứ nhất là những người bị quấy rối song lại không nhận thức được, thứ hai là những đối tượng dù biết nhưng vẫn cố chịu đựng, chấp nhận để đánh đổi lấy địa vị, được thăng quan, tiến chức. Phần lớn những người lao động, nạn nhân của tình trạng quấy rối tình dục chỉ sẽ chỉ bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp khi họ bị quấy rối nghiêm trọng trong một thời gian dài. Lý do của việc chịu đựng  này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau: có thể đó là do vì ngượng ngùng và lo ngại mất việc, nhưng cũng có thể vì sợ người xung quanh đàm tiếu, sợ chồng biết sẽ đánh ghen, dễ khiến cho họ bị rơi vào tình trạng chấp nhận im lặng, cam chịu…

Bộ luật Lao động năm 2012 có 4 điều đề cập đến quấy rối tình dục bao gồm: Quy định nghiêm cấm “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc” (điều 8), Quy định “người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục” có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 37). Đồng thời những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động với lao động là người giúp việc trong gia đình trong đó có việc cấm “ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình” (điều 183) và người lao động giúp việc gia đình có nghĩa vụ “tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi…, quấy rối tình dục” (điều 182).

 

Quấy rối tình dục là hành vi nghiêm cấm

Đại diện tổ chức Cere Việt Nam cho rằng, mặc dù trong Bộ Luật Lao động 2012 của Việt Nam có 4 điều quy định liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đưa ra được khái niệm, hành vi và cơ chế nhận diện về quấy rối tình dục cũng như chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ chế xử phạt kẻ quấy rối,… Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mới chỉ được hiểu là xảy ra ở trong trụ sở, văn phòng, nhà máy mà chưa tính đến các trường hợp quấy rối tình dục khác hoàn toàn có thể xảy ra ở ngoài phạm vi những nơi nói trên nhưng vẫn liên quan đến công việc. VD: liên hoan công ty ở nhà hàng, ký túc xá dành cho công nhân, quấy rối qua mạng internet với đồng nghiệp…

Còn theo bà Đỗ Ngân Bình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Trường ĐH Luật Hà Nội, phòng, chống quấy rối tình dục phải quy định là trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Theo bà Bình, hiện nay các doanh nghiệp cũng muốn xử lý triệt để vấn đề này, nhưng khổ nỗi doanh nghiệp không thể làm được vì hiện không có bất cứ văn bản, quy định nào liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

"Việc chứng minh hành vi quấy rối tình dục đã khó, việc xử lý càng khó hơn. Quấy rối tình dục thường là chỉ 2 người, có thể tại nơi làm việc, cũng có thể xảy ra trên đường đi công tác, đi làm. Thậm chí trong các hoạt động tập thể của doanh nghiệp. Vậy trong luật chỉ quy định "tại nơi làm việc" thì cũng không bao quát được hết", bà Bình băn khoăn.

Các ý kiến cho rằng dấu hiệu hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc cần phải quy định rõ trong một nghị định, vì không thể đưa hết vào trong luật được. Trong nghị định cần phải quy định rõ các hành vi, tính chất, dấu hiệu quấy rối tình dục. Phạm vi "nơi làm việc" cũng cần đưa ra đầy đủ, kể cả trên đường đi về công tác, trong chuyến công tác...

Chia sẻ những nội dung sửa đổi trong dự thảo Bộ luật Lao động về quấy rối tình dục nơi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH)  cho biết, dự thảo Bộ Luật Lao động định nghĩa: “Quấy rối tình dục là tất cả các hành vi có bản chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.”

“Trong dự thảo lần này có 8 nội dung quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó có 5 nội dung quy định hoàn toàn mới,” ông Nguyễn Văn Bình cho hay.

Theo đó, dự thảo quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Nội quy lao động bắt buộc phải quy định nội dung về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Người lao động khi bị quấy rối tình dục có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước. Hành vi quấy rối tình dục có thể bị kỷ luật sa thải...

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh