Quyết liệt xử lý đối với hành vi quấy rồi tình dục phụ nữ, xâm hại trẻ em
- Tây Y
- 00:32 - 09/05/2019
Xử lý nghiêm và dứt điểm gian lận trong thi cử
Thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù còn một số khó khăn, thách thức và hạn chế, mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được hoàn thành, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Tiếp tục khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số nhóm tồn tại, hạn chế chủ yếu như công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc.
Việc thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhìn chung còn chậm, một số tồn tại hạn chế chưa được xử lý triệt để.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ
Cũng theo báo cáo, việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều lãng phí, không theo quy hoạch, vi phạm pháp luật. Môi trường nước, không khí tại nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông không bảo đảm an toàn.
“Kỷ luật, kỷ cương một số nơi chưa nghiêm; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các ngành, các cấp hiệu quả chưa cao, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình hình an ninh, trật tự tại một số địa bàn diễn biến phức tạp” – ông Nguyễn Chí Dũng nói .
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có nhiều vấn đề về giáo dục mà người dân hết sức quan tâm, đòi hỏi cơ quan quản lý phải rà soát và có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm như gian lận trong thi cử, một số ít nhà giáo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình hình bạo lực học đường...
Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019 tránh những sai sót, tồn tại đã từng xảy ra.
“Quyết liệt xử lý đối với hành vi quấy rồi tình dục phụ nữ, xâm hại trẻ em. Điều tra, xử lý kịp thời hoạt động môi giới phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài mang thai hộ” – ông Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra, nhấn mạnh.
Phát hiện hàng tấn ma túy- phần nổi của tảng băng chìm
Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nhiều vấn đề xã hội như buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý đã đến mức độ bức xúc, chưa bao giờ như vừa qua bắt vụ vận chuyển lên đến cả tấn ma túy.
“Tình trạng sử dụng chất kích thích, rượu, bia khi lái xe thì đã rõ, nhiều vụ gần đây phẫn nộ. Nghĩ thấy cái chết oan ức của người lương thiện trong các vụ tai nạn”, ông Nguyễn Văn Giàu nói, đồng thời nhấn mạnh nhiều vấn đề nóng khác cần được đề cập rõ hơn trong báo cáo của Chính phủ như bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
Chủ nhiệm UB đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, các vấn đề xã hội "nóng" cần được đề cập kỹ hơn trong báo cáo của Chính phủ
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng cho rằng có những vấn đề xã hội cần được nhìn nhận, đánh giá kỹ hơn.
“Chúng ta cần nhìn lại những “điểm nóng”. Hiện nay xử lý ở địa phương thế nào, cần đánh giá đúng sai phạm, là hiện tượng hay có gì sau lưng? Gian lận thi cử không đơn giản chỉ là sai phạm của một số cán bộ ở vài địa phương khi hàng trăm em được nâng điểm nên cần nghiêm túc nhìn nhận, ngăn chặn ngay” , ông Phan Thanh Bình nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị báo cáo nhấn mạnh sâu hơn về mảng xã hội và đặc biệt cần đưa ra giải pháp.
“Chưa bao giờ có nhiều vụ ma tuý lớn được phát hiện như hiện nay, và mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có vụ cả tấn ma tuý và không biết hiện còn bao nhiêu vụ chưa phát hiện được. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ cần kiến nghị giải pháp” – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm và dẫn chứng nhiều vụ án giết người thời gian gần đây đặc biệt nghiêm trọng, giết người thân, giết nhiều người, nhiều trường hợp “ngáo đá” gây án gây rúng động. Rồi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em. “Vậy trước thực trạng này thì ta phải làm gì?” – bà Lê Thị Nga đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ cần đề xuất giải pháp.