THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:14

Quấy rối tình dục: Thế lực nào chi phối kẻ phạm tội?

Buổi tọa đàm có sự tham gia của một số khách mời quen thuộc như MC Lê Anh – (MC của VTV), TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội và TS. Đinh Công Tuấn – Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội.

Trong suốt thời gian diễn ra, các khách mời đi sâu vào bóc tách thực trạng cũng như những bất cập xoay quanh câu chuyện quấy rối tình dục khi thời gian gần đây, dư luận đang rất bất bình với những vụ việc như “200k” hay “cựu Viện phó viện kiểm sát dâm ô”. Bên cạnh đó, việc xử phạt những kẻ thực hiện hành vi này cũng chưa thực sự thích đáng cũng khiến cộng đồng lên tiếng.

TS. Khuất Thu Hồng cho rằng tình trạng QRTD bắt nguồn từ quyền lực nào đó chi phối đời sống hoặc một bí mật, khía cạnh nào đối với nạn nhân như thầy giáo là điểm số, xếp là tăng lương, nạn nhân bị thủ phạm nắm giữ bí mật nào đó…

Cũng theo TS. Hồng: “Nhiều phụ nữ trẻ, ở giai đoạn đầu bị đeo bám, họ hiểu sai rồi cảm thấy mình được tôn thờ và rất thích thú thú vị. Thậm chí là sự tự hào nhưng càng về sau càng thất vọng tinh thần suy sụp, trầm cảm”.

Talk show với chủ đề “Quấy rối tình dục” được ghi hình trực tiếp và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook đã nhận được sự đón nhận và tương tác tích cực từ công chúng, nhất là cộng đồng mạng.

Từ vụ “200k” và “cựu Viện phó Viện Kiểm sát dâm ô”.

Theo TS. Khuất Thu Hồng bản chất hai vụ việc giống nhau nhưng đối tượng bị hại khác nhau. Hành vi của ông Đỗ Mạnh Hùng là cưỡng ép cô gái trên 18; ngược lại với ông Nguyễn Hữu Linh lại cưỡng bức bé mới 5 tuổi. Chính vì thế, ông Linh bị xem xét xử lý hình sự. Đối với đối tượng Hùng, hành vi của hắn chưa được quy định cụ thể trong bất kỳ bộ luật nào, chỉ là vi phạm hành chính nên bị phát có 200 nghìn đồng. Cũng theo TS. Khuất Thu Hồng, Luật pháp chúng ta chưa nghiêm và Quốc hội cần xem xét bồ sung đối với hành vi như của kẻ thủ ác Đỗ Mạnh Hùng.

Đối với hai vụ việc trên, TS. Trịnh Lê Anh cho rằng: “Sự gia tăng tiếng nói của dư luận sẽ khiến những người làm luật tăng mạnh biện pháp để thỏa mãn công chúng”.

Đối tượng bị quấy rối tình dục là những ai?

Bàn về câu chuyện đối tượng của QRTD, MC Lê Anh cho rằng: “Bất kì ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị QRTD nhưng nhiều nhất là trẻ em gái. Vì thế, cần phải nhanh chóng vào cuộc gia tăng nhận thức cho cộng đồng”.

TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ: “Những người khi 16 tuổi chưa đủ nhận thức về hành vi dân sự, chưa nhận thức thấy đó là hành vi QRTD hoặc còn hiểu sai. Tuy nhiên, hành vi QRTD vẫn bị coi là phạm tội ngay cả khi các cháu đồng ý. Nếu có bằng chứng người thực hiện hành vi QRTD với các cháu, kẻ đó sẽ bị kết tội hình sự  QRTD với người dưới 16 tuổi”.

Cũng theo bà chia sẻ, nếu đối với hai người trên 18 tuổi mà có thỏa thuận với nhau thì không phải bàn cãi, đó là hành vi hợp pháp.

Giải pháp các nạn nhân lựa chọn là gì?

Về câu chuyện các nạn nhân lựa chọn giải pháp nào sau khi bị QRTD, theo TS. Đinh Công Tuấn, những “nạn nhân” thường yếu thế tâm lý, ít người dám chia sẻ. Họ sợ bị nghi ngờ “không có lửa làm sao có khói” nên thường chọn cách im lặng. Người bị thương tổn tâm lí, tinh thần không thể chịu đựng được mới chia sẻ.

Giải pháp cho việc này, theo MC Lê Anh, cần tạo cơ hội cho cho nạn nhân chia sẻ một cách giấu mặt, ẩn danh. Ông gợi ý như chia sẻ bằng nick ảo trên Facebook sẻ dễ dàng hơn.

Bàn về cách xử lý bà Hồng cho rằng: “Khi bị đeo bám bằng nhắn tin, hình ảnh, gọi điện thì trẻ em có đường dây nóng 111 nhưng lại không dùng được cho phụ nữ trên 18 tuổi. Vậy đầu tiên chúng ta phải đối mặt về tình huống và hành động dứt khoát, nhắn lại “Tôi không thích các inbox và hình ảnh của bạn” hay “Rất tiếc tôi không thích tình cảm của bạn với tôi nếu muốn duy trì tình bạn bạn nên dừng lại ngay”.

Ở một góc nhìn khác, TS. Đinh Công Tuấn chia sẻ, nếu nạn nhân và đối tượng là những người đã quen biết lâu, nạn nhân nên suy nghĩ thấu đáo về mối quan hệ giữa hai người, còn quen biết mấy ngày trên Facebook sẽ rõ ràng là người không trong sáng. Nếu đối phương vẫn tiếp tục quấy rối tình dục, nạn nhân có thể sử dụng một số giải pháp như chặn Facebook, báo cáo nhà mạng, gọi công an.

Nạn nhân có lỗi hay không?

“Nạn nhân không bao giờ là người có lỗi”. Đây là lời khẳng định của TS. Khuất Thu Hồng khi được hỏi: “Trong thời gian gần đây, một số dư luận cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến quấy rối tình dục (QRTD) đến từ những người bị hại, nạn nhân có lỗi không?”

TS. Hồng cho rằng: “Nạn nhân không bao giờ là người có lỗi cả dù họ có ăn mặc như thế nào, họ có ứng xử như thế nào đi chăng nữa thì đây cũng là không phải là lý do để họ bị quấy rối bị tấn công. Quyền được toàn vẹn thân thể, quyền được bất khả xâm phạm về mặt danh dự là những cái quyền căn bản nhất của con người và kẻ có ý định quấy rối thì phải hiểu rõ cái điều đó… Kẻ thủ ác không thể dùng cái lý do rằng là người phụ nữ đó ăn mặc trông gợi cảm hay là cô ta hôm nay hơi say rượu, chỗ này vắng vẻ thì mình có thể lợi dụng hoàn cảnh để QRTD. Tôi nghĩ cách chúng ta đổ lỗi cho nạn nhân đó là một cách dễ dãi nhất nhưng mà nó lại hoàn toàn không đúng.

Hơn nữa, xã hội cần phải có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn, tạo ra một cái môi trường an toàn để cho bất kỳ ai cũng có thể đi lại thoải mái, ăn mặc như là mình muốn, có những hành vi như mình. Còn vấn đề của họ là cách ăn mặc, hay hành động có hợp văn hóa hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác”, TS. Hồng nói.

Đồng quan điểm trên, TS. Đinh Công Tuấn cho rằng, lạm dụng tình dục đã có từ rất lâu; hành lang pháp lí chưa rõ ràng nên tạo sự dung túng cho “dâm tặc”.

Trước vấn nạn quấy rối tình dục đang trở thành câu chuyện phổ biến trong xã hội, trước những hành vi lệch chuẩn đạo đức và lối sống; thông qua Talk show này, chúng tôi hi vọng trong tương lai, pháp luật Việt Nam sẽ hoàn thiện hơn nữa, nhất là các chế tài xử phạt đối với từng hành vi quấy rối tình dục cụ thể để tạo sức răn đe và nghiêm trị; để giảm thiểu tối đa những câu chuyện, những bức xúc của xã hội về những sự việc đáng lên án diễn ra trong thời gian qua. 

Nam Thiên Phú

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh