THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:20

Hoài niệm xe lôi

 Chiếc xe lôi và thân phận những người hành nghề đã trải bao thăng trầm và đến nay đang thưa thớt dần và rồi chỉ còn trong hoài niệm bởi sự cạnh tranh của nhiều phương tiện giao thông nhanh hơn, tiện lợi hơn, hiện đại hơn…

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, mỗi lần xuống TP. Long Xuyên (An Giang) công tác tôi thường chọn xe lôi để đi lại, vì nó vừa rẻ, lại vừa có thể thư thả để ngắm cảnh phố xá và độ an toàn cũng cao hơn so với ngồi sau những “xế nổ Honda ôm”…Hồi đó chỉ đứng ở vỉa hè vài phút là xe lôi chạy tới mời mọc, khách tha hồ lựa chọn loại xe thùng nhôm, có mái che đàng hoàng mới đi. Nhưng từ ngày bùng nổ xe “Honda ôm”, xe lôi đành chịu lép vế, lui dần về các ngả chợ, chủ yếu chở các bà đi chợ và hàng hoá. Thân phận những người hành nghề xe lôi vốn đã long đong nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh giờ càng thêm khốn cùng. Anh Nguyễn Thành Phước, 39 tuổi cư trú ở phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, hành nghề xe lôi từ năm 18 tuổi cho biết, anh theo nghề đúng nghĩa cha truyền con nối. Năm 1986, đang học lớp 8 thì cha anh bị bạo bệnh qua đời, nên anh đành “xếp bút nghiên”, để thay người cha đạp xe lôi, ngược xuôi phố phường kiếm bạc lẻ để nuôi gia đình. Có lẽ vì cực nhọc, lại suốt ngày phơi mình dưới nắng gió phương Nam, nên tuy mới chớm tuổi “tri thiên mệnh” mà nom anh gầy, đen và gìa như một “lão nông tri điền” tuổi lục thập vậy. Qua câu chuyện anh kể về cái nghề xe lôi lắm nỗi chuân chuyên, lận đận này, tôi biết anh cũng muốn đổi nghề lắm, nhưng anh bảo: “lực bất tòng tâm”! Muốn sắm một chiếc honda để thay cho xe lôi, khỏi còng lưng mà đạp, cũng phải mua một cái xe cỡ từ 10 triệu bạc thì mới mong có khách vẫy, đi xe loại cà tàng ai ngó? Thế là đành chịu bó tay, cứ điệp khúc xe lôi trên từng cây số mà đạp, kiếm cơm cháo qua ngày. Theo như anh nói thì nghề đạp xe lôi rất mau suy kiệt sức khỏe.Bởi vì phải gồng hết sức mình để kéo khách (hoặc hàng) ở phía sau, nên cực nhọc hơn người đạp xích lô rất nhiều. Người hành nghề xe lôi dù khỏe thì cũng chỉ hành nghề đến cỡ “U 40” là giải nghệ, không đủ sức để đạp nữa. Một xe lôi loại khung nhôm có thể chở một lúc 3 đến 4 người, còn loại khung gỗ thì nhiều hơn. Như vậy, nếu may mắn có nhiều khách cùng đi, người đạp xe lôi phải đạp cật lực để “lôi” một trong lượng nặng tới cả 100kg trên đường phố “ngựa xe như nước”. Anh Phước cho biết những “người cùng khổ” như anh ở phường Mỹ Bình có khoảng hơn 10 người, gia cảnh ai cũng nghèo rớt mùng tơi, con cái thất học và “vào đời sớm” để cùng cha mẹ lo cuộc mưu sinh…Nghề xe lôi bay giờ thật bấp bênh, khách đi chủ yếu là người gìa, các bà nội chợ (đi chợ hàng ngày) và vài người khach du lịch vãng lai người nước ngoài thăm thành phố. Nhiều người chạy vòng vo mỏi gìo, mỏi cẳng vã đẫm mồ hôi từ sáng tới khuya, mà không đủ tiền độ nhật…

Một số người còn hành nghề xe lôi hiện nay ở thành phố Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang) chủ yếu chở mối ruột thân quen là các bà nội chợ.

Những người hành nghề xe lôi cho biết, khỏang 25 năm trước, ở TP. Long Xuyên có từ 600 đến 700 xe lôi. Gía đóng mới một chiếc xe lôi (thùng nhôm) từ 4 đến năm triệu đồng, nay tút xuống còn khoảng 1 đế 1,5 triệu đồng. Sở dĩ TP Long Xuyên thưa dần bóng xe lôi là vì chính quyền địa phương và ngành giao thông – công chánh ngưng đăng ký mới xe lôi, để giảm tối đa về tai nạn giao thông, cũng như đảm bảo vẻ mỹ quan thành phố văn minh, trật tự…Tuy nhiên, tỉnh cũng chưa có chủ trương tới thời điểm nào sẽ chấm dứt hẳn hành nghề xe lôi (chỉ cấm lưu thông trên một số tuyến đường có mật độ nhiều phương tiện tham gia gia thông), để người hành nghề có thời gian chuyển đổi nghề. Mặt khác, mong ước chuyển nghề đối với những người hành nghề xe lôi, coi cái xe lôi là “cần câu cơm” từ lâu nay không dễ thành hiện thực. Tỷ như đổi từ xe lôi qua “Honda ôm” cũng chẳng dễ kiếm khoảng 10 triệu bạc để mua một cái xe gắn máy Trung Quốc để hành nghề. Anh Phước và một số bạn bè của anh cho biết vậy, nên các anh đành chấp nhận đạp xe lôi kiếm tiền lay lắt qua ngày. Cánh cửa vay vống ngân hàng để chuyển đổi nghề, dường như không hé mở đối với những số phận như anh Phước và cùng rất nhiều người hành nghề xe lôi ở TP Long Xuyên hiện nay. Đa phần những người đã chấp nhận dấn thân vào cái nghề cực nhọc, dầm mưa, dãi nắng này họ rất nghèo; thậm chí trong số họ có người không có một miếng đất cắm dùi, chỉ là những lưu dân ngụ cư tạm trú thì lấy đâu ra tài sản đáng gía để thế chấp? Hoàn cảnh sống bấp bênh như vậy, con đường đổi nghề đối với họ thật mờ mịt, khó có tia hy vọng. Cực chẳng đã họ đành “sống chung với Honda ôm”, đành mặc cho “con tạo xoay vần” cho tới khi nào cái phương tiện giao thông thô sơ này bị cấm hành nghề, cấm tham gia giao thông thì tính sau…Đó là tâm trạng của rất nhiều người hành nghề xe lôi mà tôi được tiếp xúc, trò chuyện.                   Những năm gần đây xe lôi ngày càng ít khách và thưa vắng dần trên đường phố Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang)                                                     

Xe lôi cũng như xích lô đều là phương tiện giao thông thô sơ, dùng sức đạp của đôi chân con người. Sự xuất hiện của nó trên các đường phố văn minh, hiện đại qủa cũng làm giảm đi vẻ mỹ quan và trật tự an toàn giao thông đô thị. Hình ảnh người hành nghề xe lôi để kiếm sống có vẻ gì đó rất tất bật, khốn khổ…Nhưng thời nay, những vị khách nước ngoài khi đế du lịch ở nước ta, lại rất thích ngồi rên những chiếc xe xích lô đạp được tân trang “lên đời” để du ngoạn bát phố Hà Nội, Sài Gòn. Ở TP. Long Xuyên tôi thấy khách du lịch người nước ngoài cũng rất khoái ngao du phố phường bằng xe lôi. Vậy, vẫn còn có cầu ắt phải có cung. Điều quan trọng cần làm là chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ hơn, buộc những người hành nghề phải chạy đúng  tuyến quy định, có bãi đậu đàng hoàng, thái độ phục vụ cần lịch sự văn minh. Không cho đăng ký mới để giảm về số lượng xe là tốt, đó là một giải pháp hữu hiệu để góp phần giảm thiểu tai nạn gia thông ở đô thị. Tuy nhiên, đối với những ai không có điều kiện để đổi nghề, vẩn tiếp tục “chung thủy” với chiếc xe lôi, thì cũng cần tân trang lên đời, kiểu “xích lô qúy sờ tộc” ở Hà Nội, Sài Gòn để sang hơn, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại của những “thượng đế” ưa đồ cổ này. Đề đảm bảo về trật tự xã hội, những người chạy xe lôi cũng nên quy tụ lại thành lập ra một tổ chức như một nghiệp đoàn hẳn hoi, như ở Hà Nội những người chạy xe xích lô đã làm vậy. Những chiếc xích lô ở Hà Nội hôm nay đã trở thành một phương tiện không chỉ cho du khách nuớc ngoài đến Hà Nội du ngoạn phố phường, mà còn được người Hà Nội dùng làm phương tiện đi đám hỏi, thậm chí rước dâu như một thứ “mốt” thời nay. Nếu những người hành nghề xe lôi ở xứ sở “đất chín rồng” cũng làm được như thế, chắc chắn hình ảnh những chiếc xe lôi, những người hành nghề xe lôi sẽ để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách quốc tế mỗi khi đến với TP. Long Xuyên cũng như Tây đô (Cần Thơ”.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh