THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:48

An Giang: Day nghề theo nhu cầu lao động để xóa nghèo bền vững

 

Theo lãnh đạo của Sở Lao động – Thương Binh & Xã hội tỉnh An Giang, năm 2015 công tác đào tạo nghề ở tỉnh có nhiều đổi mới và cơ cấu lại hệ thống dạy nghề, đảm bảo hợp lý về quy mô ngành nghề đào tạo. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng được nhu cầu lao động cho thị trường lao động, chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, việc đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động đã đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của thị trường lao động. Thông qua đó đã tránh được sự lãng phí tài chính, thời gian trong công tác đào tạo nghề.

Bằng giải pháp thiết thực này trong năm 2015, tỉnh đã dạy nghề cho hàng chục ngàn lao động, trong đó có hàng ngàn người là lao động nông thôn và đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động.

 Nghề thêu ren ở các làng nghề truyền thống đã và đang thu hút đông đảo phụ nữ Chăm theo học để tự tạo việc làm tại gia tăng thu nhập..

Một trong những tiêu chí hàng đầu thực hiện việc giảm nghèo bền vững của tỉnh đặt ra trong năm 2015 chính là đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong đó mục tiêu phấn đấu là tạo mọi điều kiện để ổn định phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Với tiêu chí ấy, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh đã nỗ lực giải quyết việc làm mới và đào tạo đúng hướng theo kế hoạch đề ra.

Nhờ đó đã hạn chế được tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, đồng thời đã tăng cường được sự hợp tác, tạo điều kiện đưa người lao động qua đào tạo đi làm việc ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh, ngoài nước. Có thể nói, hướng đào tạo nghề theo nhu cầu thiết thực của người lao động đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, nên người lao động qua đào tạo nghề đã có nhiều cơ hội để tìm việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo. Thông qua đó, ngày càng khẳng định các chương trình mục tiêu về dạy nghề gắn kết chặt chẽ với giảm nghèo bền vững đã và đang được tiếp tục triển khai đồng bộ với những hành động thiết thực, góp phần khơi dậy các các nguồn lực trong công tác tạo việc làm nâng cao đời sống người dân.

 May công nghiệp là một trong những nghề sau đào tạo người lao động có tỷ lệ tìm được việc làm cao, nhanh chóng ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo  

Song song đó, tỉnh An Giang cũng áp dụng nhiều biện pháp khả thi nhằm hạn chế việc phát sinh hộ nghèo và cận nghèo mới. Ngoài hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước về nhiều mặt, thì công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học nghề, tạo việc làm để tự vươn lên thoát nghèo rất được quan tâm.

Ông Lê Thành Sơn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội cho biết, với tổng kinh phí của Trung ương và địa phương đầu tư cho công tác giảm nghèo bình quân từ 1.000 tỷ đồng – 1.120 tỷ đồng/năm, nhiều năm qua tỉnh An Giang được đánh giá là tỉnh thực hiện việc giảm nghèo hiệu quả ấn tượng. Có được kết quả trên, ngoài việc thực hiện đồng bộ, lồng ghép có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, thì công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng, mang tính quyết định vào việc giảm nghèo bền vững ở An Giang.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh