THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:22

An Giang: Phụ nữ xóa nghèo từ nuôi thủy sản nước ngọt

 

Trong những năm qua các cấp HLHPN trong tỉnh đã phối hợp với ngành LĐ – TB & XH (các trung tâm dạy nghề của các huyện) về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, nhất là phụ nữ nông thôn.  Đồng thời chủ động phối hợp với các ngành khác cùng với địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn kĩ thuật trồng trọt chăn nuôi, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, cho hàng chục ngàn phụ nữ.

An Giang là một trong những tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển, nhờ vào hệ thống sông ngòi chằng chịt và khí hậu cận nhiệt đới ôn hòa. Được biết từ năm 2007, Chương trình FSPS – II “Hợp tác Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực thủy sản, thông qua sự tài trợ của Chính phủ Đan Mạch được triển khai tại An giang, với sự thực hiện giám sát trực tiếp của Trung tâm Giống thủy sản tỉnh. Chương trình ban đầu được triển khai tại 5 huyện: An Phú, Tịnh Biên, Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng với các trạm khuyến nông, khuyến ngư, Trung tâm Giống thủy sản An Giang (TTGTS) đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt thu hút hàng chục nông dân tham gia. Nội dung tập huấn tập trung vào những đối tượng con giống nuôi thích hợp cho hộ nghèo, nhất là phụ nữ như: Lươn, ếch, các lóc.

 

 Thông qua các khóa tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt như lươn, cá lóc...trong bể xi măng, lót bạt nhiều hộ phụ nữ đã có cơ hội đổi đời

Ngoài chuyên đề về nuôi thủy sản nước ngọt, các chị còn được tham gia trao đổi với giảng viên về những chuyên đề hoàn toàn mới mẻ, như kỹ năng sống và phương thức kinh doanh, quản lý kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt việc phối hợp với HLHPN là một bước chuyển mình mới tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo tiếp cận với nghề nuôi thủy sản. Thông qua các lớp học chị em phụ nữ được tiếp cận với kiến thức mới trong nuôi trồng thủy sản và áp dụng một cách có hiệu quả vào mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, bản thân để vươn lên thoát nghèo.

Học đi đôi với hành, sau khi kết thúc khóa tập huấn, chương trình đã tổ chức cho học viên tham quan học tập mô hình đang nuôi trên địa bàn và hỗ trợ về con giống, thuốc và 1 phần thức ăn cho hàng chục mô hình trình diễn, nhằm giúp cho các chị cùng gia đình thực hiện được những kiến thức đã tiếp thu tại khóa học.

 

 Nuôi lươn trong bể lót bạt, là một trong những mô hình được nhiều hộ phụ nữ triển khai, thực hiện mô hình hiệu quả vươn lên thoát nghèo.

ĐIển hình như mô hình nuôi ếch của bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, ở ấp Vĩnh Phú và bà Lê Thị Luyến, ở ấp Phú Thuận (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) đạt sản lượng cao và chất lượng. Ngoài phong trào nuôi ếch thì phong trào nuôi cá lóc hiện đang phát triển mạnh, thu hút nhiều chị em tham gia. Theo một số hộ dân cho biết, khác với nuôi cá tra, quy mô và hình thức nuôi cá lóc rất đa dạng từ vài chục mét vuông tới vài ngàn mét vuông mặt nước (nghĩa là tùy vào điều kiện vốn liếng, diện tích mặt nước của mỗi hộ), có thể nuôi trong ao, lồng, vèo và nuôi trong bể có lót bạt, với nguồn thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp bằm hoặc xay nhuyễn. Tuy nhiên, hiện nay phong trào nuôi cá lóc đang có xu hướng nuôi trong bể lót bạt và sử dụng thức ăn công nghiệp rất thuận lợi, người nuôi từ miền núi đến đồng bằng đều chủ động được nguồn thức ăn. Đây là mô hình nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, có nhiều ưu điểm như không đòi hiểu diện tích lớn, không ô nhiễm môi trường, dễ đầu tư phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là phụ nữ nghèo, để có cơ hội vươn lên thoát nghèo và làm giàu./.

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh