THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:50

Họa sĩ Văn Dương Thành: Yêu Hà Nội qua nét bút, mảng màu

 

Nữ họa sĩ Văn Dương Thành.


Họa sĩ Văn Dương Thành đánh dấu sự trở lại của mình bằng hai bộ tranh: Hồng Hạc với thiên nhiên, Kiến trúc cổ Hà Nội trong mùa xuân.

Cùng với đó, Triển lãm mỹ thuật Việt – Hàn “Vision in Harmony” của hai họa sĩ Văn Dương Thành và Julia Oh sẽ diễn ra từ 16 giờ ngày 21/1/2019, tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, số 49, Nguyễn Du, Hà Nội.

Đặc biệt, triển lãm trưng bày những bức tranh vừa mới khai bút đầu xuân 2019 của họa sĩ Văn Dương Thành, phần lớn tranh còn ướt sơn. Với rất nhiều bức tranh hoa khổ lớn diễn tả cảnh chợ hoa, sắm Tết và những mâm ngũ quả tươi xanh. Bên cạnh đó có hình ảnh những chú lợn bố, lợn mẹ, lợn con sum vầy.

Những bức tranh của họa sĩ Văn Dương Thành: Đàn hạc cất cánh, Vũ điệu đêm trăng hoặc Trăng trên phố cổ, Đêm Hồ Gươm, Hoa đào giao thừa có sự khác biệt với 1.700 bức trước đây. Ở bức tranh mới này luôn có những khoảng lặng êm đềm loang rộng, đối ngược với những mảng tả chi tiết, đường nét, dồn dập, ánh sáng tương phản rất mạnh hoặc le lói. Gam màu cũng biểu hiện sự bình lặng và chín chắn của tâm hồn, mỗi bức tranh là một gam màu hoàn toàn khác biệt như tranh Đêm trăng là màu xanh tím nhạt rất êm dịu. Tranh Hạc cất cánh là bản nhạc của sắc màu ghi, đen, xanh da trời và nâu đất, bức tranh Phố trăng Hà Nội tả những cánh cửa chớp màu xanh cây rất cao, những ống máng trĩu nặng bên những ổ ống sứ chăng trên cột điện, những mái ngói âm dương phủ rêu của năm tháng, tất cả được hiện lên qua những nét bút dồn dập, phóng khoáng, nhưng nhìn kĩ thì sẽ thấy rất nhiều chi tiết, giấu ấn của cuộc đời, của lịch sử, của thời gian của bao thế hệ. 

 

Một trong những bức tranh khai bút đầu xuân của họa sĩ Văn Dương Thành.


Khoảng lặng, mảng phẳng rộng và êm ái trên những bức tranh chính là điểm khác biệt trong sáng tác của họa sĩ năm nay. Được biết, họa sĩ Văn Dương Thành yêu thích tranh hồng hạc từ khi đi thăm Đồng bằng Sông Cửu Long 15 năm trước và sau đó là cuộc đi thăm Nepal năm 2007. Đến chùa Việt Nam được sư Diệu Minh dẫn đi xem đàn hồng hạc, đặc biệt có một đôi hồng hạc khi đến mùa đông cả đàn cất cánh bay đi tránh rét thì con hồng hạc cái bị thương ở cánh, không bay được, hồng hạc đực bay lượn vòng quanh không nỡ cất cánh, cuối cùng khi cả đoàn đã khuất bóng thì hồng hạc đực ở lại, cả hai chịu mùa đông giá rét nhưng lòng chung thủy của đôi hạc đã giúp chúng sống sót và thêm một đàn con ngày càng đông đúc.

Với những bức tranh: Giai điệu hạnh phúc, Sonanta đêm trăng, Bản nhạc hạc đỏ, Bản nhạc hạc xanh của Văn Dương Thành mơ ước truyền đạt cảm xúc và tình yêu thiên nhiên qua các con hạc đến với người thưởng thức tranh.

Một vài nhà phê bình đã chú ý đến yếu tố âm nhạc trong tranh Văn Dương Thành, mà đặc biệt là khi thăng hoa với hình tượng đàn hạc, bố cục luôn luôn có sự nhịp nhàng, chuyển động hình xoáy và quay trở lại xuất phát ban đầu, đàn hạc cất cánh dập dờn như những khuôn nhạc mà ta có thể nghe thấy rất nhiều giai điệu của gió, của hoa, cỏ dại, của đầm nước và lau sậy…

“Đến nay, Thành đã vẽ hơn 50 bức tranh về hồng hạc và lần cầm bút nào cũng vậy, cảm xúc luôn trào dâng, Thành vẫn luôn tìm ra những mô tuýp mới và sẽ tiếp tục dùng nét bút, mảng màu của mình để thể hiện tình yêu thương đối với đàn chim hạc”, họa sĩ Văn Dương Thành nói.

Các bức tranh về phố cổ Hà Nội: Phố Hồng, Ánh trăng trên phố Hàng Da, Trăng trên chợ hoa ngày Tết, Phố Yên Phụ… họa sĩ Văn Dương Thành chỉ dùng 2 màu, đó là các tông màu hồng và màu đen để tả cảnh phố phường ngược sáng dưới ánh trăng. Nhìn kĩ sẽ thấy rất nhiều mái nhà trăm năm cũ, những cây cột điện nghiêng nghiêng, những mạng lưới điện giăng giăng chằng chịt, cả những ban công có con tiện nhỏ bé, mái hiên trĩu nặng lụp xụp, những cầu thang lộ thiên nhỏ hẹp chạy giữa những bể nước, ống máng nước mưa bằng sành nung, cả quần thể đó nhưng kể câu chuyện của bao mảnh đời, của nhiều thế hệ đã sống qua trong những ngôi nhà cũ kĩ này, chính màu thời gian đã làm nên sự quyến rũ và cái đẹp rất độc đáo, rất thương nhớ, hoài niệm. 

 

Họa sĩ Văn Dương Thành yêu thích tranh hồng hạc từ khi đi thăm Đồng bằng Sông Cửu Long.


“Thành vẽ rất nhiều phố cũ Hà Nội do khi còn thơ bé, đã được gặp danh họa Bùi Xuân Phái, được ông dẫn đi vẽ Văn Miếu và những khu phố nhỏ. ông đã giúp cho Thành hiểu và yêu Hà Nội. Hàng trăm tác phẩm Hà Nội phố của danh họa hoàn toàn khác biệt với hàng trăm bức tranh Văn Dương Thành vẽ. Phố của Bùi Xuân Phái rất trầm ngâm, vắng vẻ, kiến trúc đơn sơ và thể hiện bằng một bút pháp rất giản dị, rất kiệm màu, thường là màu ghi, xám, đã làm nên một tên tuổi Phái Phố vang dội cho đến cả các nước xa xôi”, nữ họa sĩ tâm sự.

Dù phố Văn Dương Thành có người hay vắng bóng người thì người xem cũng thấy một Hà Nội rất ồn ào náo nhiệt, nét mới xen nét cũ, đôi bức tranh mang nặng hoài niệm về tuổi thơ. Những bức tường nâu sậm hoặc rêu phong rất nặng nề thường được điểm xuyến bằng những gánh hoa, gánh hàng rong, hoặc những vòm cây xà cừ cổ thụ gần chợ Đồng Xuân, quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm hoặc góc đường Yên Phụ, một mái cong của chùa Trấn Quốc, một hình rồng uốn lượn trên mái đền Quán Thánh đều góp phần tạo nên một phong cách, một cách diễn đạt của riêng Văn Dương Thành.

 

Họa sĩ Văn Dương Thành luôn nặng lòng với tình yêu Hà Nội.

 

Mỗi độ Tết đến, xuân về, nỗi nhớ quê nhà, người thân và cả phong tục khai bút đầu xuân nữa, luôn đau đáu trong lòng nữ họa sĩ. Đó cũng là lý do vì sao người xem thấy xuất hiện khá nhiều những bức tranh vẽ cây đào phai, khóm quất xum xuê, hoa thược dược bên hoa violet, một cây vối nhỏ, những lá chè xanh, những chùm khế loáng thoáng trong tranh của họa sĩ Văn Dương Thành.

Về những dự định trong năm mới, nữ họa sĩ chia sẻ: "Là họa sĩ nên bản thân mong muốn sẽ luôn cầm bút và sáng tạo. Nguồn cảm và tâm tính không thay đổi, nhưng cách thể hiện hội họa mong rằng luôn có một nét gì mới lạ và sẽ thể hiện được chân thực, sống động hơn những rung cảm mãnh liệt của mình với thiên nhiên, với kiến trúc và với con người. Ngoài mơ ước sáng tác, Thành muốn có thêm nhiều thời gian để chia sẻ cảm xúc hội họa đến với trẻ em, những người thiệt thòi, gây quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo. Tất cả những điều này làm cho Thành tìm thấy sự bằng an trong tâm hồn và niềm vui khi được chia sẻ”.

 

Julia Oh, họa sĩ của ánh sáng và khát vọng 

 


Giống như mẹ trái đất, các tác phẩm của Julia cộng hưởng cùng với năng lượng độc đáo của sự dịu dàng sâu sắc.

Bức tranh của Julia dẫn lối đến với thiên đường và hoà bình cho những con người lạc đường trong cuộc sống.

Julia là học trò của họa sĩ Lee Boo Woong (Seoul, Hàn Quốc).

Trong thời gian sinh sống tại Hà Nội, Julia đã có duyên gặp gỡ với một trong những hoạ sĩ nổi tiếng của Việt Nam là Văn Dương Thành.

Tháng 10 năm 2018, Julia đã tham gia triển lãm tranh Hà Nội do Hội mỹ thuật Hà Nội tổ chức. Tháng 1 năm 2019, Julia cùng với giáo viên của mình - hoạ sĩ Văn Dương Thành cùng tổ chức Triển lãm Mỹ Thuật Việt - Hàn  “Vision in harmony”.

Julia mong muốn các tác phẩm của mình sẽ được nhớ đến như những bức tranh về sự đồng cảm và hàn gắn.

Phong cách tranh của Julia theo trường phái ấn tượng Châu Âu hoà quyện với phong cách Hàn Quốc.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh