Rực rỡ “Chợ hoa ngày tết” trong tranh Văn Dương Thành
- Văn hóa - Giải trí
- 22:16 - 22/12/2016
Đưa hội họa vào cuộc sống
Hiếm có họa sĩ nào lại triển lãm tranh của mình ngay tại xưởng họa như Văn Dương Thành. Chị bảo, tại đây, công chúng yêu mỹ thuật có thể thưởng thức những bức tranh mới hoàn thành hoặc đang vẽ dở dang còn ướt sơn, có thể đối thoại và cùng vẽ với họa sĩ những bức tranh khai bút đầu xuân.Các em bé có thể chạy tung tăng qua các phòng vẽ và xem họa sĩ sáng tác từ những nét bút khởi đầu trên tấm toan. Trưng bày tranh không chỉ tại các Viện bảo tàng quốc gia, Văn Dương Thành mong muốn sẽ đem hội hoạ đến với mọi người, từ các em bé cho đến cụ già, du khách và bạn bè đều có dịp gặp gỡ và trải nghiệm.
Với 50 bức tranh sơn mài, sơn dầu, acrylic có kích thước từ 2,5m, phong cách nửa trừu tượng, nữ họa sĩ miêu tả sâu về kiến trúc, về không khí và những ấn tượng của một Thăng Long xa xưa và một Hà Nội sôi động hiện tại. Trong tranh của chị, công chúng có thể dễ dàng nhận ra những đường nét chắt lọc từ điêu khắc của Đền Trần, chùa Bút Tháp, chùa Hòa Mã và tranh Hàng Trống, Đông Hồ. Đó cũng là ký ức những ngày thơ bé mà chị đã lang thang khắp vùng quê với cây bút chì và một tập giấy, một cây bút tre đập dập với màu vẽ là lá cây giã nhỏ hoặc lá tre đốt thành than – những ký họa đó đã khắc ghi trong cô bé đường nét kiến trúc dân gian của làng quê Bắc Bộ và đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác của Văn Dương Thành - dù chị đang sống ở những miền đất xa xôi.
Trong số những bức tranh Tết của Văn Dương Thành, phải kể đến “Chợ hoa ngày Tết” với những rừng hoa đào, hoa cúc, thược dược… và đám đông nhộn nhịp trên những hè phố cũ kỹ và phía sau là bầu trời xanh với những giọt nắng ấm long lanh trên hoa xuân. Ngước nhìn những ngôi nhà rêu phong của Hà Nội xưa với những cánh cửa hoa sắt uốn cong đủ hình thái đã 100 năm qua, những ô cửa art décor, những phù điêu nhẹ nhàng điểm xuyết trên khung cửa hoặc trên mặt tiền của tòa nhà như đánh thức những kỷ niệm nhung nhớ của thời thơ ấu. Hay đó là "Hoa Đào Nhật Tân" với màu hồng của hoa đào phai, màu vàng của hoa mai thấp thoáng ẩn hiện bên hè phố và những mái ngói cũ kỹ lô nhô phía xa trước những rặm cây xà cừ cao vút. Bức tranh này như một bản hợp xướng của kỉ niệm và hương sắc mùa xuân.
Đó còn là "Hoa Cúc Vàng" với không gian làng hoa Tây Hồ chìm ngập trong gam vàng là những bông cúc Đại Đoá đong đưa, người xem có thể cảm thấy sự ẩm ướt trong từng cánh hoa và hương hoa thơm ngát. Phông màu ghi nhẹ êm đềm phía xa biểu hiện cho màn mưa xuân lắc rắc trên màu nâu đất ẩm xốp những hạt mầm đang nảy nở. Đặc biệt, hình ảnh đơn sơ, mộc mạc của những người phụ nữ ngoại thành, chở hoa và cây quất trĩu nặng trên chiếc xe đạp cũ có mặt trên 36 phố phường và góc Ô Quan Chưởng, là nét duyên dáng đặc trưng của Hà Nội. Những chiếc xích lô ngày càng thưa vắng hơn, vì thế cũng được nhiều người hâm mộ. Tất cả những hình ảnh đó được in dấu trong tranh của Văn Dương Thành và đi vào ký ức của người xem.
Tết, ký ức Hà Nội luôn rực rỡ
Có thể nói, với bút pháp phóng khoáng, Văn Dương Thành đã dùng những vệt màu chảy và nét bút vẩy phản chiếu cảm xúc trong giây phút, không thể lặp lại lần thứ hai, bộ tranh sơn mài ghi lại kỷ niệm phố xưa, "Phố Hàng Bạc", "Hàng Bè", "Hàng Thiếc"... Tất cả chìm trong gam màu ghi xám với bầu trời rực rỡ dát vàng là hoặc bạc lá. Những bức tường cũ loang lổ được thể hiện bằng những mảng trứng trắng dát với những cung bậc nóng lạnh khác nhau, đem lại cảm giác thô ráp rất thật của toà kiến trúc. Bạn như được trở về với thời thơ ấu, với mùi hương hoa sữa, hoa bàng và âm thanh của những người bán hàng rong, như trong một giấc mơ.
Ký ức Hà Nội luôn rực rỡ trong tâm hồn họa sĩ Văn Dương Thành, chị kể khi còn nhỏ, sống với mẹ ở phố Quán Thánh, chị thường đạp xe đến phường Ngũ Xã bên đầm lầy của hồ Trúc Bạch, nơi có nghệ thuật đúc đồng tinh xảo của Hà Nội để vẽ. Trong bức “Lộc vừng Hồ Gươm” chị vẽ cầu Thê Húc bằng gỗ nằm vắt lối đền Ngọc Sơn với Bờ Hồ luôn là biểu tượng và nguồn cảm hứng vô tận cho âm nhạc và hội họa, nổi bật giữa lùm cây xanh um tùm, mặt nước hồ cũng có màu xanh lá cây và hi vọng vẫn có cụ rùa thỉnh thoảng nổi lên để mọi người được chiêm ngưỡng. Những Ô Quan Chưởng dưới nắng xuân, dưới trăng thu và dưới mưa phùn. Một Khuê Văn Các thanh tao của Văn Miếu 1000 năm, một chùa Trấn Quốc nổi lên giữa mặt nước bạc của Tây Hồ. Những tác phẩm có kích thước vài mét đến thật nhỏ đều mang đậm hồn Việt và sự tiếp nối của dòng chảy mỹ thuật folklore trên các trống đồng.
Nhiều năm qua, Văn Dương Thành đã tổ chức nhiều triển lãm, chị đã cống hiến nhiều tác phẩm để bán đấu giá gây quỹ giúp các trẻ em thiệt thòi, và tham gia chương trình xây nhà cho người nghèo ở Kẻ Sặc, Hải Hưng, của cựu tổng thống Jimmy Carter...