THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:59

Hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 5 nghìn người bán dâm

Theo đó, về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai; phòng, chống tệ nạn mại dâm; giảm phát sinh mới tệ nạn xã hội.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội cho đến khi các luật liên quan được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực.

Phấn đấu tỷ lệ người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý là 78%; tỷ lệ điều trị bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện là 14%. Tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho khoảng 15.000 lượt đối tượng bán dâm; trong đó hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 5.000 người. 

Phụ nữ mại dâm được tư vấn học nghề tại Trung tâm Reach

Tiếp tục đổi mới công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy: Hoàn thành chuyên đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện theo Nghị quyết số 113/NQ-CP ngày 31/12/2016 của Chính phủ; quy hoạch cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bước xây dựng, hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị cai nghiện có đủ năng lực triển khai điều trị thay thế nghiện bằng chất Methadone và các phương pháp điều trị khác đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy ở các địa phương. Tăng cường quản lý, tư vấn, trợ giúp người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện.

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm theo Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay. Phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức. Xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội phát triển để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người bán dâm được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống mại dâm ở các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Về công tác phòng, chống mua bán người, tiếp tục chỉ đạo triển khai các nội dung Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”. Rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân ở cộng đồng, hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hoà nhập cộng đồng trên phạm vi toàn quốc, đề xuất các biện pháp, giải pháp tăng cường hỗ trợ tại cộng đồng. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ vay vốn, học nghề, tạo việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, chăm sóc y tế, thông tin... đối với nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng được tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình xã, phường phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn ma túy, mại dâm. Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng “xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội”; chuyển hóa những xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm; huy động tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cấp, nhà trường... thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên tránh xa ma túy, mại dâm; xây dựng lực lượng tình nguyện viên ở các xã, phường.

Trong năm 2017, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án như Dự án Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán thuộc Chương trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo dõi, giám sát sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện theo quy định.

 


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh