Hỗ trợ toàn diện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cuộc sống
- Dược liệu
- 19:11 - 04/04/2020
Thời gian qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hoà nhập cộng đồng đã đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.
Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ (trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học). Năm 2019 đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định.
Năm 2019 ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.517 tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội) và 131 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.
Đến nay cả nước có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, trên 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc người khuyết tật tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và nhiều trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Về chăm sóc y tế và phục hồi chức năng (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học), năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển hệ thống y tế lao động xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trong đó tập trung các mục tiêu phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Đến nay, cả nước có 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ các huyện, các xã. Hệ thống bệnh viện, trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và các khoa phục hồi chức năng tiếp tục được củng cố và phát triển từ Trung ương đến địa phương với 63 Bệnh viện/Trung tâm phục hồi chức năng, 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng ngay tại bệnh viện cho người bệnh, đặc biệt người bệnh mãn tính, người bệnh bị các chấn thương cấp tính, sau phẫu thuật. Năm 2019, đã hỗ trợ cấp dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 6.447 người khuyết tật, sàng lọc cho 8.000 trẻ dưới 6 tuổi và cho 25.000 người nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, 810.000 bà mẹ mang thai đạt 58% được khám sàng lọc trước sinh, sàng lọc 494.000 trẻ sơ sinh đặt 40% trẻ sinh ra.
Năm 2019, khoảng 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng tại các cơ sở giáo dục nhà nước; hỗ trợ cho 2.277 người khuyết tật vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 7.000 người khuyết tật.
Đến nay, đã có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Các Trung tâm Trợ giúp pháp lý trong toàn quốc đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 1.265 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính, thông qua các hình thức: tư vấn pháp luật: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng...
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (4/4/2020), Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức và phát động Cuộc thi trực tuyến: "Nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn và vật liệu nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam", trên Trang Thông tin điện tử của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tại địa chỉ: http://vnmac.gov.vn/. Cuộc thi nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam đến đông đảo tầng lớp nhân dân cả nước.