CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:10

Hỗ trợ pháp lý cho trẻ em chưa thành niên vi phạm pháp luật

 

Việc hỗ trợ pháp lý cho trẻ em vi phạm pháp luật để kiểm soát, đảm bảo cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật không bị mớm cung, bức cung hay bị dùng nhục hình đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Xử lý người chưa thành niên nhằm giáo dục, giúp đỡ sửa chữa sai lầm

Bà Trần Thị Thu Hà, Ban điều phối mạng quyền trẻ em phía Nam cho biết, hiện nay số vụ trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật gia tăng. Các đối tượng nghiện game, ma túy, không có tiền đã phạm tội nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản. Có thể kể đến một số vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã xảy ra: em N.H.L sinh năm 2000, học sinh lớp 9 trường THCS Phong Khê, Bắc Ninh đã giết bạn gái cùng lớp để cướp tài sản. Hay trường hợp em MTX (xã Yên Hòa, Tương Dương, Nghệ An) phạm tội giết người cướp tài sản khi mới hơn 14 tuổi 7 tháng. Với 2 tội danh này, MTX đã phải lĩnh án 10 năm tù giam.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, từ năm 2007 đến tháng 6/2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 em vi phạm pháp luật hình sự. Số vụ phạm pháp tăng gần 4.300 vụ. So với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc thì số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20%. Trong đó, trẻ em dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật hình sự chiếm tỉ lệ 13%, từ 14-16 tuổi chiếm gần 35%, từ 16-18 tuổi chiếm 52%.

Học viên trường Giáo dưỡng số 5 giao lưu bóng đá với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 

“Để ngăn ngừa và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trẻ em vi phạm pháp luật, cũng như giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng, Hội bảo vệ quyền trẻ em và mạng quyền trẻ em đã có nhiều hoạt động tư vấn pháp lý hỗ trợ các em: Phối hợp các địa phương tổ chức tuyên truyền cho học sinh trong các trường học để ngăn ngừa bạo lực học đường, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật. Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh xây dựng đường dây nóng miễn phí 18009069 để kịp thời trợ giúp pháp lý cho trẻ em. Đặc biệt, các thành viên trong mạng quyền trẻ em tăng cường truyền thông về kỹ năng sống cho đối tượng trẻ em mình đang quản lý để giúp các em đề kháng lại các hiện tượng tiêu cực đang diễn ra trong xã hội”, bà Trần Thị Thu Hà cho biết thêm.

Người chưa thành niên, đặc biệt là trẻ em dưới 16 tuổi là những người chưa trưởng thành do vẫn còn non nớt về thể chất và trí tuệ. Vì vậy họ cần đối xử khác với cách đối xử dành cho những người đã thành niên vi phạm pháp luật. Các em cần được gia đình, xã hội và Nhà nước bảo vệ, chăm sóc đặc biệt. Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói chung và phạm tội nói riêng chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Thu Hà cũng dẫn ra một số trường hợp trẻ em cần được bảo vệ an toàn trong quá trình bị tạm giam. Trường hợp Đỗ Đăng Dư 17 tuổi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị đánh chết trong trại giam số 3 của Công an Hà Nội sau 2 tháng bị giam. Hay trường hợp em Trịnh Xuân Quyền 16 tuổi ở huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông chết bất thường trong trại tạm giam sau 2 tuần bị bắt giam.

Tỉ lệ trẻ em vi phạm pháp luật tái phạm trên 34,8%.

Theo quy định, đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể thực hiện các biện pháp xử lý như: Đưa vào trường giáo dưỡng, vào các cơ sở giáo dục bắt buộc, vào cơ sở cai nghiện bắt buộc giáo dục tại xã phường. Số liệu của Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), từ năm 2002 đến tháng 6/2013, các trường giáo dưỡng gồm Trường giáo dưỡng số 2 (Ninh Bình); số 3 (Đà Nẵng); số 4 (Đồng Nai); số 5 (Long An) đã tiếp nhận 21.836 người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong đó, có 21.335 nam, chiếm 97,93%; nữ có 501 em, chiếm 2,07%. Các em cần được giúp đỡ để hoàn lương, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng đói với trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật chưa hiệu quả. Hiện, tỉ lệ tái phạm còn ở mức cao, trên 34,8%.

Ít ai nghĩ, những cậu bé hồn nhiên như thế này lại từng gây ra lỗi lầm.

 

Đề xuất của mạng quyền trẻ em, nên nghiên cứu đổi mới mô hình trường giáo dưỡng theo hướng mô hình mái ấm. Đặc điểm nổi trội của mô hình này là thân thiện, ấm áp như một gia đình. Nội dung giáo dục được đổi mới, ngoài học chữ, học nghề các em được học kỹ năng sống, kỹ năng lao động có hiệu quả. Đồng thời, mái ấm còn tạo điều kiện để trẻ có thể giao lưu với thế giới bên ngoài  như mời học sinh các trường, các đội văn nghệ thiếu nhi, đoàn thanh niên đến giao lưu thông qua các chương trình văn nghệ, thể dục thể thao... để giúp các em cởi mở và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Vân Khánh/ Lao động xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh