Mô hình Hội đồng trẻ em sẽ được triển khai ở các địa phương
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:42 - 16/12/2015
Hội đồng trẻ em đối thoại với HĐND
Chính phủ vừa phê duyệt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trẻ em có quyền tham gia các vấn đề liên quan đến mình, với tư cách con người và công dân. Để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và giúp các em nói lên tiếng nói của mình, mô hình Hội đồng trẻ em sẽ được triển khai ở các địa phương tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Long Hải cho biết, Hội đồng Đội Trung ương sẽ triển khai xây dựng thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Yên Bái, dự kiến thành lập trong quý 3/2016. Trên thế giới, mô hình Hội đồng trẻ em đã được nhiều nước áp dụng và đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, giúp các em nói lên tiếng nói của mình về vấn đề các em quan tâm. Tuy nhiên, để xây dựng mô hình Hội đồng trẻ em phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, nhiều vấn đề được đặt ra cần phải có những nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện về tính khả thi, sự cần thiết, vai trò của Hội đồng trẻ em đối với trẻ em và việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tại địa phương.
Tham gia Hội đồng trẻ em, các em sẽ sự tự tin trình bày ý kiến của mình.
Theo đề cương mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh của Trung ương Đoàn, Hội đồng trẻ em là nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện Hội đồng nhân dân các cấp về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương. Hoạt động của Hội đồng trẻ em tập trung vào các nội dung chính: Thực trạng thực hiện quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em, những hành vi vi phạm quyền trẻ em tại địa phương; Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương; Các vấn đề xã hội tại địa phương liên quan đến trẻ em. Về hình thức, tiến trình hoạt động, trẻ em phát biểu, thảo luận, tranh luận theo mô hình một phiên làm việc của Hội đồng nhân dân. Mỗi năm một lần, gắn với kỳ họp cuối năm của Hội đồng trẻ em, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố làm việc với Hội đồng trẻ em, thông báo kết quả giải quyết những kiến nghị của Hội đồng trẻ em trong năm; tiếp thu ý kiến của Hội đồng trẻ em để chỉ đạo thực hiện các kiến nghị trong năm tới.
Nâng cao vai trò giám sát của trẻ em
Bà Phạm Thị Thủy, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Phát triển và tham gia của trẻ em (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tại Việt Nam, trẻ em chiếm 1/3 dân số nên tiếng nói của các em rất quan trọng. Hiện nay, quan niệm truyền thống người lớn bảo, trẻ em nghe đã không còn phù hợp; cần phải có sự tương tác giữa cha mẹ - con cái, giáo viên – học sinh. Hội đồng trẻ em sẽ là một kênh quan trọng để lấy ý kiến của trẻ em. Khi tham gia hội đồng này trẻ em sẽ được: Góp phần cho phát triển cá nhân (kiến thức, kỹ năng); học cách giải quyết vấn đề và quyết định một cách có trách nhiệm; bảo vệ trẻ em tốt hơn; chuẩn bị cho trẻ em trở thành công dân năng động và có ích; giúp việc ra quyết định tốt hơn; hướng tới phát triển một xã hội dân chủ, công bằng; tác động lên các nhà hoạch định chính sách; tạo cơ hội tham gia bình đẳng cho mọi trẻ em. Tạo điều kiện, khuyến khích trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thực hiện các quyền được tham gia; tạo môi trường an toàn, thân thiện và khuyến khích trẻ em tham gia một cách chủ động.”
Trẻ em sẽ đối thoại những vấn đề liên quan trẻ em.
Theo chuyên gia cao cấp về truyền thông và quyền tham gia của trẻ em Nguyễn Lan Minh: “Việt Nam có sẵn một hệ thống chính trị hướng tới trẻ em rất tốt. Chúng ta cần dựa trên những cái đã làm rất tốt để lên khung cho chương trình này, xây dựng những tiêu chí của Hội đồng trẻ em sao cho phù hợp với thực tiễn và luật pháp ở Việt Nam. Hội đồng trẻ em phải đặt tiêu chí quan trọng nhất là nâng cao vai trò giám sát và trình bày ý kiến, đối thoại ý kiến tham vấn của trẻ em, đó mới mang bản sắc riêng của Hội đồng trẻ em”.
Nếu mô hình Hội đồng trẻ em được triển khai thành công, sẽ thêm cơ hội cho trẻ em Việt Nam nói lên tiếng nói của mình, chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, để mô hình hiệu quả, thực chất, phải trả lời được các câu hỏi: Trẻ em muốn gì, trẻ em muốn làm như nào và người lớn hỗ trợ các em như thế nào để hoạt động hiệu quả? Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng trẻ em cần tôn trọng tính tự nguyện tham gia của trẻ em và tính dân chủ trong việc lựa chọn, đề cử đại diện của trẻ em và của các nhóm trẻ em khác nhau. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện tối đa, hợp lý để trẻ em tham gia hoạt động và rất cần tránh sự áp đặt, lựa chọn, chỉ định từ phía người lớn nếu không Hội đồng trẻ em lại rơi vào hình thức và sẽ không phát triển bền vững.