THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:04

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em

 

Hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp

Thông tin tại hội nghị, tính đến năm 2015, trên địa bàn toàn thành phố Đà Nẵng có 217.664 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 21,6% dân số. Trong đó, có 2.704 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 1, 24% dân số trẻ em, bao gồm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa: 557 em, trẻ em khuyết tật: 1.962 em, trẻ em vi phạm pháp luật: 87 em...Ngoài ra, có khoảng gần 1.800 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề xã hội...

Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trao bằng khen cho các tập thể, các nhân làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2011-2015.

Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được triển khai sâu rộng từ các cấp, ngành đến từng cơ sở xã, phường. Đến nay, đã có hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, hầu hết trẻ em mồ côi không nơi nương tựa trên địa bàn thành phố đều được chăm sóc, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, bạo hành từ đó cũng giảm đáng kể.

Đặc biệt, với việc triển khai nhiều chương trình, dự án giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như chương trình trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, chương trình chăm sóc thay thế, chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc... đến nay đã giúp cho hơn 27.600 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em thuộc diện hộ nghèo với kinh phí hơn 56 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hùng Hiệp cho biết, thời gian qua cùng với việc tích cực ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, học sinh có nguy cơ bỏ học, thành phố cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục. Đến nay, tỷ lệ học sinh khuyết tật trên địa bàn thành phố được giáo dục hòa nhập đạt 68,5%, giáo dục chuyên biệt đạt 39,5%. Ngoài ra, có 62.000 lượt học sinh thuộc hộ chính sách, hộ nghèo được hưởng các ưu đãi giáo dục, miễn giảm học phí... với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng.

Một số hoạt động trợ giúp chưa thực sự bền vững

Đời sống của người dân và xã hội được nâng cao cũng đồng nghĩa với việc công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có điều kiện để đảm bảo tốt hơn. Tuy nhiên, tại hội nghị nhiều đại biểu thừa nhận chương trình giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn chưa thực sự bền vững bởi hầu hết các hoạt động trợ giúp đều chỉ mang tính chất ngắn hạn, trong khi đó kinh phí thực hiện lại chủ yêu phụ thuộc vào nguồn vận động từ các dự án NGOs, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.

Có thể kể đến như chương trình học bơi đối với học sinh, được đưa vào chương trình học như một môn thể thao tự chọn, nhằm phòng ngừa nguy cơ trẻ em bị đuối nước. Tuy nhiên theo bà Đặng Thị Cẩm Tú, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng, bể bơi phục vụ cho việc học bơi này cũng là do một tổ chức nước ngoài hỗ trợ, hiện đã có dấu hiệu xuống cấp, rất cần phải có sự đầu tư để có thể tiếp tục sử dụng.

Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu cũng nhìn nhận, hiện nay số trẻ em từ nơi khác đến thành phố lang thang kiếm sống ngày càng gia tăng. Tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục, bị tai nạn thương tích hàng năm tuy có giảm nhưng vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng khẳng định, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nếu không có sự tham gia từ phía gia đình sẽ vô cùng khó khăn, chính vì vậy gia đình có vai trò hết sức quan trọng.  Phó chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo, các đơn vị liên quan cần phải đặt ra kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho từng năm nhằm thực hiện một cách toàn diện, hiệu quả các chỉ tiêu đặt ra trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong những năm tiếp theo. 

Tại hội nghị, UBND thành phố đã tặng bằng khen cho 21 tập thể và 12 cá nhân đã làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2011-2015. Giai đoạn 2016-2020, thành phố Đà Nẵng phấn đấu tiếp tục duy trì 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 1% so với dân số trẻ em; phấn đấu 100% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc bằng nhiều hình thức...

BÙI MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh