THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:52

Các tổ chức cùng chung tay bảo vệ trẻ em

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh; Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Trần Thị Thanh Thanh chủ trì hội thảo.

CRnet góp phần thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Trần Thị Thanh Thanh cho biết, mặc dù không phải là hội đặc thù nhưng với nỗ lực truyền thông, vận động nên Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã thu hút rất nhiều người tham gia hoạt động vì mục đích chăm sóc, giá dục và bảo vệ trẻ em. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với việc bổ sung nguồn lực làm việc vì trẻ em tại cộng đồng trong điều kiện nhà nước đang thiếu nhân lực làm việc cho trẻ em. Hội đã có nhiều hoạt động thực hiện quyền sống còn của trẻ em, quyền phát triển, quyền tham gia và nhóm quyền bảo vệ trẻ em.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại diễn đàn.

 

“Những hoạt động trên không chỉ có giá trị về nhân đạo, từ thiện hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn mà đã có đóng góp quan trọng vào thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, tham gia xây dựng luật pháp, chính sách. Đồng thời, nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, vận động tiếng nói của trẻ em. Bước đầu thực hiện vai trò giám sát, phát hiện những vấn đề bất cập, mới nảy sinh. Phản ánh nguyện vọng, yêu cầu của các đối tượng trẻ em và tham gia phản biện đối với các Chương trình, Kế hoạch hoạt động liên quan quyền trẻ em, nhằm thực hiện các nguyên tắc quyền trẻ em”, bà Trần Thị Thanh Thanh nhấn mạnh.

Theo bà Lê Thị Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên – Huế, giám sát quyền trẻ em là hoạt động khó khăn của Hội. Hạn chế lớn nhất của Hội khi tham gia giám sát là thiếu cơ sở pháp lý. Khi gặp những vụ việc vi phạm quyền trẻ em thì việc can thiệp của tổ chức xã hội khó nhận được sự phối hợp, chia sẻ thông tin từ cơ quan nhà nước và cơ quan chức năng.

Tại Thừa Thiên – Huế, chưa có số liệu về bạo hành trẻ em trong các báo cáo bởi nhiều gia đình coi việc đánh đập, hành hạ hay xâm hại tình dục trẻ em chỉ là việc gói gọn trong chính mái nhà của mình, chỉ cần “đóng cửa bảo nhau”, không cần pháp luật can thiệp. Vẫn còn trẻ em bị xâm hại, hành hạ, đánh đập, bị thương tích, thậm chí là bị chết do tai nạn mà nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn. Chỉ đến khi vụ việc được xã hội phanh phui hay xảy ra những hậu quả đáng tiếc thì các cấp, các ngành  mới nhận thấy quyền trẻ em đã bị coi nhẹ và ai là người giám sát việc thực thi quyền này.

Rất cần Hội phát huy vai trò trong công tác trẻ em

Để Hội bảo vệ quyền trẻ em phát huy tốt chức năng giám sát, mạng lưới CRnet thực hiện tốt vai trò kết nối các tổ chức cùng bảo vệ trẻ em, theo bà Lê Thị Minh Ngọc, Hội cần sự tạo điều kiện từ các cấp, ngành và cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, Nhà nước cần tạo điều kiện thực sự cho các tổ chức Hội tham gia và giám sát các Chương trình quốc gia mà trong đó có đối tượng thụ hưởng là trẻ em. Việc lồng ghép quyền trẻ em vào các chương trình kinh tế, xã hội cần được coi trọng và đảm bảo việc giám sát quá trình thực hiện. Cần có những quy định cơ chế phù hợp để Hội phối hợp với các ban HĐND, Đoàn đại biểu Quốc Hội trong việc giám sát các chuyên đề liên quan về trẻ em tại địa phương. Quy định về việc cung cấp, chia sẻ cho các tổ chức xã hội có thể tham gia trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ em từ cộng đồng. Để thực hiện hiệu quả những chức năng trên, Hội cần nhận được sự hỗ trợ về tài chính trong hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội.

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội.

 

Thứ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá rất cao sự tham gia của Hội và CRnet trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đặc biệt đánh giá cao vai trò sự tham gia của Hội và các tổ chức xã hội trong công tác xây dựng chính sách. Hội cũng đã có nhiều giải pháp, mô hình bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em. Nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em được hội và các thành viên mạng lưới CRnet quan tâm: Trẻ em bị rối nhiễu tâm trí, trẻ em bỏ học, bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, cũng như vai trò giám sát của hội trong công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em. Đây là những vấn đề nóng mà đang được xã hội rất quan tâm. Hiện nay, Việt Nam có trên 26 triệu trẻ em, trong đó có 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, và 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Với số lượng lớn trẻ em này rất cần sự chung tay của nhà nước, nhà trường và toàn xã hội tham gia bảo vệ trẻ em, đặc biệt là vai trò tổ chức xã hội.

“Vai trò giám sát của Hội không phải là độc lập. Chúng tôi đánh giá cao cơ chế phối hợp của Hội với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan Chính phủ. Mặc dù điều kiện kinh phí để phối hợp các hoạt động có hạn, nhưng Hội đã có nhiều sáng kiện vận động nhiều nhà tài trợ cùng tham gia thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tốt hơn. Tôi đánh giá cao tính chủ động của Hội. Đặc biệt sự tham gia của các tổ chức thành viên, CRnet, hội Luật sư cũng đã được triển khai rất tốt, nhiều sáng tạo. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang tổng kết các chương trình giai đoạn 2011 – 2015 và xây dựng các chương trình cho 5 năm tiếp theo. Đặc biệt là việc hoàn thiện Dự án Luật trẻ em sửa đổi. Dự kiến Luật sẽ được thông qua vào tháng 3/2016, mở ra một giai đoạn mới trong công tác trẻ em, rất cần Hội phát huy vai trò của mình trong công tác trẻ em”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh