THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:14

Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách góp phần xóa đói giảm nghèo

Hỗ trợ bò giống cho người nghèo để phát triển sinh kế

Hỗ trợ bò giống cho người nghèo để phát triển sinh kế

Trở về quê hương lập nghiệp sau nhiều năm bôn ba làm công nhân may ở miền Nam, gia đình chị Ngô Thị Kim Ngân (41 tuổi, ở thôn 1, xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến nay đã tạo lập được mô hình sinh kế ổn định. Từ một gia đình có hoàn cảnh nghèo nghèo khó, ở trong căn nhà tạm khi mới trở về thì nay vợ chồng chị Ngân đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, kiên cố, có đàn bò gần 10 con để tạo nguồn thu nhập. 

Được biết, năm 2015, gia đình chị Ngân đã được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Sơn hỗ trợ một con bò giống sinh sản theo hình thức vốn quay vòng. Gia đình cũng tự vay thêm 9 triệu đồng để mua thêm 1 con nữa cho đủ cặp. Có bò giống trong tay, vợ chồng chị Ngân tập trung chăm sóc, từ việc làm chuồng đến chăn dắt, cắt cỏ. Được chăm sóc tốt, những con bò mẹ đã liên tục đẻ bê con. Đến nay, đàn bò của gia đình đã tăng lên gần 10 con và đã có một số được bán để tạo thu nhập, trả lại tiền hỗ trợ ban đầu.

Trước đó, vàn năm 2011, khi biết gia đình chị Ngân phải ở trong căn nhà tạm tại khu tái định cư thôn 1, xã Phú Sơn, một đơn vị tại TP Huế đã hỗ trợ 20 triệu để xây dựng nhà cửa. Gia đình quyết định vay thêm 40 triệu từ Ngân hàng chính sách xã hội để làm căn nhà kiên cố, xoá nhà tạm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên phải đến tận năm 2022, nhà của chị Ngân mới chính thức hoàn thiện. Chị Ngân cho biết, đàn bò là mô hình sinh kế chủ lực, giúp gia đình có tiền trả nợ, hoàn thiện nhà cửa và nuôi con ăn học.

Theo lãnh đạo xã Phú Sơn, dự án đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, bảo toàn đồng vốn để quay vòng, giúp cho các hộ nghèo trên địa bàn xã có điều kiện chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo được triển khai từ năm 2008. Đợt đầu tư đầu tiên với số tiền 28 triệu đồng, mua 7 con bò giống cấp cho 7 hộ nghèo. Sau thời gian 4 năm, những con bê đầu tiên sinh ra được dự án thu lại. Nhận thấy đây là mô hình có hiệu quả cao, xã Phú Sơn tiếp tục đầu tư mua bò giống thêm 2 đợt để hỗ trợ cho người nghèo, nâng tổng số hộ được hỗ trợ lên 22 hộ. Hiện nay, mô hình đang được nghiên cứu, nhân rộng để giúp xóa đói giảm nghèo bền vững. 

Bà Dương Thị Kim Tú - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Hương Thủy cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, địa phương này đã tập trung triển khai lồng ghép nhiều chương trình, dự án để tập trung hỗ trợ cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, như: hỗ trợ nhà ở, vật tư, phương tiện sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài… 

Bên cạnh đó là phát huy tốt các nguồn vốn chính sách để hỗ trợ người dân phát triển mô hình sinh kế. Năm 2022, thị xã Hương Thuỷ hỗ trợ 85 hộ nghèo xây dựng mô hình nuôi gà, bò, heo. Đến nay, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, nhất là các mô hình nuôi gà, cho nguồn thu nhập ổn định, giúp quay vòng vốn tốt. Cũng nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã giảm mạnh, tính đến hết năm 2022 chỉ còn 1,22%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. 

Hỗ trợ heo giống cho hộ nghèo

Hỗ trợ heo giống cho hộ nghèo

Theo đánh giá, những năm qua, các Hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm tốt công tác ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trở thành cầu nối quan trọng khi mang nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; từ đó, nhiều gia đình đã có vốn để đầu tư vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, có 17.062 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống; 799 hộ vay vốn Chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn,…Thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.879 lao động, tạo điều kiện để người lao động phát triển sản xuất, giải quyết tình trạng thất nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho 176 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo khai thác tốt nguồn vốn ủy thác, kết hợp các nhóm nguồn lực để người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách, tạo điều kiện để các nhóm đối tượng được vay vốn sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, gắn với các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội. 

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh