THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:09

Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động vùng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu

Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động vùng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phát biểu tại hội thảo.

Theo TS Chử Thị Lân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động, đại diện nhóm nghiên cứu, nghiên cứu đã tập trung khảo sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiềm năng chịu ảnh hưởng của hạn mặn tại Cà Mau trên các lĩnh vực như: Trồng lúa, chế biến lúa, gạo, trồng và chế biến cây ăn trái, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản… Đồng thời phỏng vấn nhóm lao động làm việc trong các lĩnh vực này.

Kết quả cho thấy, ảnh hưởng lớn nhất của hạn mặn là cơ hội và sự ổn định về việc làm, tiếp đến là thu nhập. 58% người lao động được hỏi cho rằng thu nhập bị giảm do ảnh hưởng của hạn mặn. Trong đó, nam giới bị ảnh hưởng nhiều hơn với 66,7% đánh giá hạn mặn làm giảm thu nhập của họ.

Thời gian làm việc của người lao động cũng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn theo các chiều hướng khác nhau: 50% số người được hỏi cho rằng thời gian làm việc tăng lên và 14% cho rằng thời gian làm việc giảm xuống. Ngoài ra, khi hỏi tình hình thực tế, 6% số người được hỏi cho biết đã từng bị mất việc làm và bị ngừng việc do hạn mặn.

Trước tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, 33,3% doanh nghiệp cơ sở được khảo sát cho biết đã phải tạm ngừng sản xuất từ cuối năm 2019 đến tháng 3/2020. 20% phải thực hiện thay đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi giống, sản phẩm. 26,7% phải thực hiện thay đổi kỹ thuật sản xuất.

Đáng chú ý đối với các doanh nghiệp thực hiện việc cắt giảm lao động, tạm ngừng việc, lao động bị cắt giảm đầu tiên là các lao động phổ thông, lao động tự do và thường không có trợ cấp gì khi nghỉ việc.

Về phía người lao động, kết quả khảo sát cho thấy, nhận thức của người lao động về ảnh hưởng của hạn mặn tới việc làm cũng như biện pháp đảm bảo việc làm thỏa đáng còn hạn chế. Tỷ lệ tham gia các loại bảo hiểm rất thấp. Chỉ 9% tham gia BHYT tự nguyện, 12% tham gia BHYT miễn phí cho hộ nghèo, 13% tham gia BHYT cho vùng khó khăn, 1,7% tham gia bảo hiểm nhân thọ. 41% không tham gia do không biết và không quan tâm tới BHXH.

Thông tin tại Hội thảo, TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, biến đổi khí hậu tại Việt Nam đang đe dọa nghiêm trọng đến diện tích đất nông nghiệp và an ninh lương thực, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân cư.

Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Từ đầu năm 2020, hạn hán và xâm nhập mặn kéo theo tình trạng thiếu nước ngọt trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực ven biển, nơi sinh kế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp như: Người nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số, nông dân, ngư dân…

"Hạn hán, xâm ngập mặn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người làm sản xuất nông nghiệp; đồng thời ảnh hưởng gián tiếp đến chuỗi cung ứng, sản xuất chế biến nông sản và việc làm trong các chuỗi cung ứng xuất khẩu hàng hóa", TS Bùi Tôn Hiến cho biết.

Từ thực trạng tác động của hạn hán, xâm ngập mặn, nghiên cứu đã đề xuất 3 nhóm giải pháp để bảo đảm việc làm thỏa đáng cho người lao động chịu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung.

Bao gồm: Nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đảm bảo việc làm thỏa đáng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất, từ đó đảm bảo việc làm thỏa đáng cho người lao động. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực thích ứng của các bên để đảm bảo việc làm thỏa đáng cho người lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh