CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:00

TP.HCM: Đào tạo nghề giúp người lao động chuyển đổi nghề sau dịch Covid-19

Người lao động đi cũng khó, ở cũng khổ

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đến đầu tháng 9/2020 toàn TP đã hơn 21.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hơn 328.000 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên và đã có hơn 118.000 người lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trao đổi với PV báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân sinh), chị Phạm Thị Lan (46 tuổi, quê Long An) - một công nhân thâm niên làm việc trong KCN Vĩnh Lộc, quận Tân Bình cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến công ty không xuất được hàng nên phải cắt giảm công nhân, đa số những công nhân nghỉ việc là những người lớn tuổi.

"Chúng tôi làm việc cho công ty may mặc từ khi còn trẻ cho đến bây giờ cũng hơn 10 năm. Do dịch bệnh Covid-19 công ty gặp khó khăn nên chúng tôi phải nghỉ việc từ tháng 4/2020. Từ đó đến nay, tôi đã đi nhiều nơi tìm việc nhưng chưa có công việc nào phù hợp. Khi thất nghiệp vợ chồng tôi nghĩ đến chuyện sẽ đưa các con về quê sống với ông bà nội để đỡ phần nào tiền chi tiêu hàng ngày nhưng giờ đi cũng khó, ở cũng khổ vì 2 đứa con đang học ở thành phố quen rồi, giờ phải chuyển trường cũng khó thích nghi nên vợ chồng tôi phải cố gắng bám trụ, tìm mọi cách để xoay xở qua ngày", chị Lan tâm sự.

TP.HCM: Đào tạo nghề giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

TP.HCM: Đào tạo nghề giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp sau dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều công ty xây dựng khó khăn nên cắt giảm công nhân, mỗi ngày ở các công trình chỉ lác đác vài người làm việc.

Đồng cảnh ngộ như gia đình chị Lan, anh Nguyễn Văn Sơn (35 tuổi, quê Quảng Bình), công nhân xây dựng của một công ty ở quận 12, TP.HCM cho biết, công ty nơi anh làm việc gần 100 công nhân nhưng từ đầu năm đến nay do ít công trình nên công ty buộc phải cắt giảm ngày công, thu nhập mỗi tháng chỉ còn 1/3 so với trước đây.

"Trước đây mỗi tháng thu nhập của anh em công nhân ở công ty cũng từ 12 - 15 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí mỗi tháng cũng tích góp gần 10 triệu đồng gửi về cho gia đình. Từ khi cắt giảm ngày công đến nay tháng nào anh em chúng tôi cũng túng thiếu nhưng vì đã gắn bó với công ty lâu nên cố gắng ở lại cùng công ty vượt qua giai đoạn này. Nếu bây giờ nghỉ việc cũng rất khó để xin được công việc khác đúng với tay nghề của mình, mà xin việc khác lĩnh vực xây dựng thì chúng tôi không có tay nghề", anh Sơn chia sẻ thêm.

Trường hợp của chị Lan, anh Sơn cũng là hoàn cảnh chung của hàng trăm nghìn lao động tại TP.HCM. Đối với họ, cuộc sống thường ngày đã rất khó khăn thì trong thời điểm xảy ra dịch bệnh lại càng vất vả hơn, dù đã "thắt lưng buộc bụng" tối đa chi phí sinh hoạt nhưng vẫn không đủ để trang trải cuộc sống.

Giúp người lao động học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp

Trước tình hình này, để tăng cường chăm lo, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc, chính quyền địa phương cùng các cấp, ngành LĐ-TB&XH TP.HCM đã cung cấp thông tin các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tương tự, phù hợp với tay nghề để công nhân tìm việc làm mới.

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 172.561 lượt người và tạo ra 78.651 chỗ việc làm mới/135.000 chỗ việc làm theo kế hoạch năm 2020.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, hiện nay Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đang có nhiều phương án giúp những công nhân thất nghiệp sớm tìm được việc làm phù hợp, trong đó phương án tối ưu nhất là tổ chức cho những lao động thất nghiệp được học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.

TP.HCM: Đào tạo nghề giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp sau dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Lao động thất nghiệp làm thủ tục nhận tiền trợ cấp thất nghiệp ở Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM.

Bên cạnh đó tăng cường mở nhiều sàn giao dịch việc làm để giúp nhiều người tìm kiếm được việc làm mới phù hợp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu nghề, đào tạo lại nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tại 6 chi nhánh. Mỗi tháng 2 lần, Trung tâm còn tổ chức phiên giao dịch việc làm ở các điểm sàn giao dịch để người lao động trực tiếp gặp doanh nghiệp tuyển dụng tìm việc theo năng lực và nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội TP cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động quận, huyện, doanh nghiệp để xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân.

TP.HCM: Đào tạo nghề giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp sau dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Các cơ sở đào tạo nghề giúp người lao động tìm được việc làm mới.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), từ nay đến cuối năm 2020, nhu cầu nhân lực của TP.HCM cần khoảng 105.000 chỗ làm việc, trong đó tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại, dịch vụ - phục vụ, dệt may - giày da, chế biến lương thực - thực phẩm, tư vấn chăm sóc khách hàng, marketing, xây dựng, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, kinh doanh bất động sản…

Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 84,5% trong đó: Đại học chiếm 20%, cao đẳng chiếm 21%, trung cấp 30%, sơ cấp 13,5%.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh