THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:38

Hô biến đất công để kinh doanh massage thu lợi

 

Đất vàng biến thành dịch vụ xông hơi, massge

Bệnh viện Châm cứu Trung ương được thành lập năm 1982 theo quyết định số 369/BYT – QĐ của Bộ trưởng Bộ Y Tế, là  bệnh viện hạng I, đơn vị đầu ngành y về phương pháp điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền, rất đông bệnh nhân đến điều trị. Vì không gian chật hẹp dẫn đến quá tải của bệnh viện nên không đáp ứng được nhu cầu khám và chữa bệnh. Những năm gần đây, Bộ Y tế cho đầu tư một dãy nhà cao tầng đồng bộ hiện đại để phục vụ khám chữa bệnh của người dân, tạo điều kiện cho y bác sỹ bệnh viện có cơ hội phát triển năng lực toàn diện.

Ông Nguyễn Bá Quang, Giám đốc BV Châm cứu Trung ương.

Trong bối cảnh “tấc đất, tấc vàng” giữa trung tâm Thủ đô, nhưng Nhà nước vẫn ưu ái giao đất để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Nhẽ ra với sự “ưu ái” đó, bệnh viện Châm cứu Trung ương phải toàn tâm theo đuổi làm tốt hơn nữa công tác khám chữa bệnh, nhưng đơn vị này lại “hồn nhiên” cắt ra hơn 500m2 đất khuôn viên hiện có, liên doanh, liên kết với đơn vị ngoài bệnh viện là Công ty TNHH CSSK Massage Hương Sen làm các dịch vụ massage, xông hơi, xoa bóp bấm huyệt. Được biết, trước kia khi GS. Nguyễn Tài Thu còn là Giám đốc Bệnh viện đã thành lập Trung tâm Hương Sen, nhằm phục vụ khám chữa bệnh cho những bệnh nhân của bệnh viện và không thực hiện các dịch vụ xoa bóp bấm huyệt thu tiền như ngày nay. Khi giáo sư Nguyễn Tài Thu nghỉ hưu, ông Nghiêm Hữu Thành làm Giám đốc, Bệnh viện đã liên doanh liên kết với đơn vị bên ngoài là Công ty TNHH CSSK Massage Hương Sen để thành lập lên Trung tâm Massage xoa bóp bấm huyệt Hương Sen để kinh doanh, thu tiền. Dư luận cho rằng, một nơi y đức luôn được đề cao, không nên cho tồn tại một Trung tâm dịch vụ xông hơi, massage xoa bóp bấm huyệt sặc mùi tiền bạc như Hương Sen đang làm.

Trục lợi từ xẻ thịt đất bệnh viện?

Tận mục sở thị những hoạt động xông hơi, massage, xoa bóp bấm huyệt của Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hương Sen (TTCSSK). PV ghi nhận trung tâm này nằm sâu trong khuôn viên Bệnh viện Châm cứu Trung ương tại địa chỉ 49 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa (Hà Nội), có lối đi riêng, bệnh nhân của bệnh viện không được phép bén mảng đến TTCSSK Hương Sen. Hàng ngày Trung tâm này đón hàng trăm lượt khách tấp nập ra vào để thụ hưởng những dịch vụ xông hơi, massage, xoa bóp bấm huyệt đầy phản cảm.

Với mỗi lượt khách hàng vào đây giải trí phải thanh toán các mức giá khác nhau theo nhu cầu từ 250.000 – 450.000 VNĐ để được nhân viên của Trung tâm Hương Sen xông hơi, massage, xoa bóp, bấm huyệt phục vụ tận tình…

Hàng trăm mét vuông đất đã bị “xẻ thịt” kinh doanh dịch vụ xông hơi, massage.

Với lượng khách tấp nập như hiện nay, một lượng tiền không nhỏ hàng ngày đang chảy về Trung tâm này. Vậy tiền thu về được sử dụng như thế nào? Có phục vụ cho mục đích nâng cao công tác khám chữa bệnh cho cán bộ y, bác sỹ trong bệnh viện? Hay tiền thu lời từ hoạt động sử dụng đất công trái phép này đang chảy vào một “nhóm lợi ích” nào đó?

Dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hương Sen hoạt động có hợp pháp? Những nhân viên massage, xoa bóp bấm huyệt có được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ xoa bóp bấm huyệt? Việc Bệnh viện cắt đất để cho một đơn vị ngoài vào làm dịch vụ thu tiền có được Bộ Y tế cho phép?

Để trả lời cho những câu hỏi này, phóng viên đã liên hệ với  PGS.TS. Nguyễn Bá Quang, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương để làm rõ những thắc mắc trên. Tại buổi làm việc ông Quang cho biết, Bệnh viện đã ký hợp đồng liên doanh liên kết với Trung tâm Hương Sen để thực hiện những dịch vụ hiện có, và thừa nhận Bệnh viện có dành một phần diện tích đất trong khuôn viên Bệnh viện để Trung tâm này thực hiện dịch vụ của mình.

Khi PV đề nghị được tiếp cận hợp đồng liên doanh liên kết giữa Bệnh viện và Trung tâm Massage Hương Sen thì ông Quang lấy cớ chưa chuẩn bị hồ sơ tài liệu và sẽ giao cho một đồng chí Phó Giám đốc Bệnh viện liên hệ làm việc sau.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh