THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:40

Hiểu thế nào về đưa cử nhân đi xuất khẩu lao động?

 

Phải nói ngay rằng, nếu hiểu "Đề án về đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài" mà Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý là Đề án đưa Thạc sỹ và cử nhân đi XKLĐ là cách hiểu chưa đúng và chưa đầy đủ về vấn đề này. 

Đề án này nên hiểu ở góc độ đơn giản nhất là đưa người lao động có tay nghề tức là lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có Thạc sỹ, Cử nhân, Cử nhân cao đẳng nghề, Trung cấp nghề... theo yêu cầu của đối tác tác nước ngoài ở những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Thực tế, việc đưa loại hình lao động này đi làm việc ở nước ngoài không phải là điểm mới của XKLĐ Việt Nam, nó càng không phải là việc đến nay mới triển khai thực hiện, mà việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được thực hiện từ hơn 20 năm nay, ngay từ khi Việt Nam tiến hành mở cửa, hội nhập quốc tế vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước. 

 

Ảnh minh họa (nguồn Internet)


Chưa có số liệu thống kê cụ thể về tổng số thạc sỹ, cử nhân (trước đây thường gọi tắt là chuyên gia) đi XKLĐ tính đến thời điểm này, nhưng có thể điểm qua vài thị trường lao động ngoài nước hiện đang có Thạc sỹ và cử nhân Việt Nam làm việc như: thị trường lao động Hàn Quốc hiện có khoảng hơn 400 lao động đã qua đào tạo gồm: Kỹ sư công nghệ thông tin, Kỹ sư cơ khí, Cử nhân cao đẳng nghề Bếp, F&B và Thợ hàn đóng tàu bậc Trung cấp nghề... tại Nhật Bản hiện có khoảng hơn 1000 Kỹ sư cơ khí, Kỹ sư điện tử viễn thông, kỹ sư công nghệ thông tin... đang làm việc hay như ở khu vực Trung Đông (UAE, Saudi Arabia…) có hàng trăm kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí... và rất nhiều cử nhân có trình độ ngoại ngữ làm sale hoặc bán hàng miễn thuế ở một số sân bay quốc tế lớn. 

Những lao động có tay nghề, đã qua đào tạo này (bao gồm cả cử nhân) đi làm việc ở nước ngoài theo nhiều hình thức khác nhau, như thông qua doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ XKLĐ hoặc đi theo hợp đồng cá nhân, qua doanh nghiệp thầu khoán công trình... các hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo quy định pháp luật của Việt Nam và phù hợp với luật pháp nước sở tại.

Lợi ích của việc đưa lao động đã qua đào tạo, có trình độ tay nghề cao đi XKLĐ là mức lương và thu nhập cao hơn so với lao động phổ thông không có tay nghề, phí môi giới và các chi phí khác rẻ hơn so với các loại hình lao động khác (đối với Cử nhân thường không mất phí môi giới, được chủ sử dụng lao động lo vé máy bay khứ hồi, chế độ nghỉ phép về Việt Nam theo định kỳ... tùy từng thị trường và trình độ của người lao động). Đồng thời, đây chính là giải pháp để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài, thay vì tỷ lệ lao động phổ thông đang chiếm tỷ lệ khá cao như hiện nay. 

Rõ ràng, một khi tỷ lệ lao động qua đào tạo đi XKLĐ tăng cao thì nguồn ngoại tệ đổ về cũng lớn hơn, lượng ngoại tệ chuyển về nước tỷ lệ thuận với mức lương người lao động nhận được, chi phí cho công tác quản lý lao động ít hơn do trình độ và ý thức hiểu biết pháp luật cao hơn và đội ngũ này sau khi về nước sẽ dễ dàng có việc làm hơn do có kiến thức, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ tốt hơn. Đây là nguồn lao động mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam luôn rất cần để thay thế cho chuyên gia của họ.

Nói tóm lại, nên hiểu việc này một cách đơn giản hơn như tôi nói ở phần đầu, và nếu tốt nghiệp Đại học ra trường, người học không thể kiếm được việc làm phù hợp ở Việt Nam thì việc tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài để được có cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề và ngoại ngữ, nhất là có mức lương và thu nhập cao hơn hẳn ở Việt Nam là một giải pháp không tồi.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, xu hướng dịch chuyển lao động quốc tế là tất yếu và bản thân quá trình hội nhập luôn mở ra những cơ hội việc làm tốt hơn cho người lao động. Trong thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế, vai trò của Nhà nước trong việc hoạch định chính sách và định hướng chiến lược về việc làm nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp, đưa người lao động tham gia thị trường lao động  là tối cần thiết và thiết thực. Tất nhiên, để ra nước ngoài làm việc, người lao động không chỉ có tấm bằng đại học, cao đẳng lận lưng, mà còn đòi hỏi nhiều điều kiện đủ khác, trong đó có cả kỹ năng và kinh phí.

PHẠM ANH THẮNG (Bài viết theo quan điểm cá nhân tác giả)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh