Hiệu quả của dòng vốn vay ưu đãi
- Dược liệu
- 01:35 - 30/05/2020
Gia đình bà Lê Thị Đức ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước thuận, huyện Ninh Phước, trước đây một tấc đất cắm dùi chẳng có. Căn nhà hiện tại cùng 1,2 xào trồng cỏ là đất dự phòng của xã cấp cho. Thu nhập chủ yếu là đi làm mướn nên cái nghèo vẫn đeo bám 2 vợ chồng quá nửa đời người. Cho đến năm 2013, gia đình được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH để mua một cặp bò và đã trở thành bước ngoặt đổi đời.
Biết sức khỏe không thể làm mướn mãi, vợ chồng bà dành thu nhập từ bò mở rộng nuôi thêm dê. Đến năm 2015 gia đình bà thoát nghèo và tiếp tục vay vốn hộ mới thoát nghèo 43 triệu đồng mở rộng nuôi 4 con bò và 30 con dê. "Nhờ NHCSXH mới có nguồn vốn vay để nuôi dê, mỗi năm xuất 2 lứa, mỗi lứa 15 con, trừ giống còn lãi 50 triệu đồng, bê con mỗi năm cũng bán được 2 con được thêm hơn 20 triệu đồng", bà Đức phấn khởi cho biết.
Ở cấp độ cao hơn, vốn tín dụng chính sách đang được Ninh Thuận định hướng trở thành đòn bẩy thúc đẩy thế mạnh kinh tế địa phương. Như gia đình bà Phú Thị Tráng, dân tộc Chăm ở khu phố 12 thị trấn Phước Dân.
Đây cùng là tâm nguyện của tập thể cán bộ NHCSXH tỉnh Ninh Thuận. Giám đốc Hoàng Liên Sơn cho biết "phương châm hoạt động của chúng tôi là không để người nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay không được tiếp cận vốn". Từ đó dòng vốn tín dụng đã đáp ứng tại 100% làng xã, thắp lên những nhiệt huyết lao động.
Vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng NHCSXH phục vụ người nghèo đến năm 2017 gia đình bà đã thoát nghèo sau nhiều năm chăm chút cho nghề làm gốm Bàu Trúc của ông cha để lại. Hiện xưởng gốm của bà tạo việc làm cho 8 lao động. Kinh nghiệm và tinh thần vượt khó đã giúp bà truyền lửa trong vai Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.
"Hiện nhiều người đã thoát nghèo nên trả vốn, trả tiền vay học sinh, sinh viên, nên thành viên của tổ chỉ còn 59 hộ vay với dư nợ 2,2 tỷ đồng", bà cho biết. Niềm vui hơn cả của bà là thành quả của việc vay vốn học sinh, sinh viên cho hai người con ăn học. Trong đó cô con gái lớn Trượng Tha Mai Trang Thảo đã hoàn thành ước mơ học Trung cấp văn thư lưu trữ TP. Hồ Chí Minh.
Hiện Thảo đang là Phó bí thư Đoàn thị trấn và để viết tiếp ước mơ của mẹ, hỗ trợ nhiều hơn đồng bào Chăm trên quê hương thoát nghèo. "Dự nợ của Đoàn Thanh niên thị trấn là 13 tỷ đồng với 9 tổ, 423 hộ vay", Thảo kể. Vốn tín dụng chính sách thêm hiệu quả khi Đoàn Thanh niên thị trấn giới thiệu NHCSXH cho vay theo mô hình định hướng.
Tính đến thời điểm này tỉnh Ninh Thuận thực hiện 15 chương trình tín dụng có tổng dư nợ 2.200 tỷ đồng, với 96,8 nghìn hộ đang có dư nợ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Bình cho biết "Ninh Thuận có điều kiện khó khăn về khí hậu, tuy nhiên nợ quá hạn không cao. Điều này nói lên hiệu quả của đồng vốn vay ưu đãi là rất tốt".