THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:24

Đồng bào Vân Kiều thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Ngân Thủy là một trong ba xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thủy, nơi phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Trước đây, mỗi lần nhắc đến Ngân Thủy, nhiều người ngại ngần vì xa xôi và tuyến đường 10 hoang sơ, đá sỏi gập ghềnh.

Nay đường 10 nối hai nhánh đông-tây đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, nhờ vậy đời sống đồng bào được cải thiện hơn trước. Đặc biệt, các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững.

Đồng bào DTTS đã biết thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi.

 

Chúng tôi ghé thăm hộ gia đình ông Nguyễn Văn Mua ở bản Km14, xã Ngân Thủy. Là hộ nghèo của xã, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, Tổ TK&VV, gia đình ông Mua được xem xét, tạo điều kiện vay vốn chương trình hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng để phát triển trồng 3ha rừng nguyên liệu. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình ông Mua có thu nhập ổn định từ 50 đến 60 triệu đồng.

Cũng được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, chị Hà Thị Hương cùng bản với ông Mua đã lựa chọn mô hình phát triển trồng rừng nguyên liệu và chăn nuôi trâu bò sinh sản.

Đây là một trong những cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng đất đồi của xã Ngân Thủy, thuận tiện trong chăn dắt và chăm sóc. Chính vì thế, sau mấy năm đầu tư, hiện cuộc sống gia đình chị Hương đã có nhiều đổi thay, kinh tế phát triển, mỗi năm cho thu nhập từ 45 đến 70 triệu đồng.

Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng dư nợ cho vay ưu đãi trên địa bàn xã Ngân Thủy đạt trên 18 tỷ đồng với trên 410 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ 45 triệu đồng/hộ. Hiện toàn xã có trên 60% là hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều vay vốn. Mặc dù đời sống cũng như dân trí chưa cao, nhưng bà con rất có ý thức trong trả nợ. Chính vì thế, trên địa bàn không có tình trạng nợ quá hạn.

Ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc NHCSXH huyện Lệ Thủy cho biết: “Trước đây, bà con Vân Kiều ở vùng biên giới phía Tây Nam huyện Lệ Thủy sống chủ yếu phụ thuộc vào nghề rừng. Để thay đổi suy nghĩ và tập quán sinh sống, ngân hàng đã tích cực hỗ trợ cho bà con vay vốn. Hiện nay, bà con đã biết trồng cây lúa, làm kinh tế, trồng rừng, chăn nuôi để tạo nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần ổn định đời sống”.

Phát triển kinh tế khi biết kết hợp giữa chăn nuôi và trồng rừng. 

 

Với một xã rẻo cao có hơn 65% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều, con đường phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng với những gì mà Ngân Thủy làm được đã cho thấy rõ sự chuyển mình đi lên của vùng đất nghèo khó này.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy khẳng định: “Sắp tới, xã sẽ đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng để bà con có đất sản xuất, trồng rừng, nuôi cá và phát triển chăn nuôi gia súc để vươn lên thoát đói nghèo”.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn gần 50% (năm 2018), tuy nhiên, với quyết tâm của chính quyền địa phương, sự đồng sức đồng lòng của người dân cùng sự trợ sức của NHCSXH huyện, đời sống xã miền núi Ngân Thủy sẽ ngày càng khởi sắc.

Tuấn Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh