THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 11:07

“Khởi nghiệp” từ vốn vay ưu đãi Quỹ quốc gia việc làm

Anh Đinh Công Bịnh – Phó Bí thư Đoàn xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn. Vay vốn từ NHCS 95 triệu đồng từ đầu năm 2018 để phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo mô hình HTX. 

 

Những “điểm sáng” thanh niên khởi nghiệp

Trước đây, anh Đinh Công Bịnh, Phó Bí thư Đoàn xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún với vài ba con trâu, cùng với vài sào ruộng nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Cách làm ruộng đồng kiểu cũ, kém hiệu quả đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con địa phương, cho nên nhiều hộ ở xã Phúc Tiến mãi vẫn chưa thể thoát nghèo.

“Là cán bộ đoàn, trẻ tuổi, năng động nên mình phải gương mẫu vươn lên làm giàu cho gia đình, cũng là để các bạn trẻ và người dân học tập làm theo. Vùng đất quê hương rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và người trẻ thì không nên ỷ lại” - anh Đinh Công Bịnh chia sẻ. 

Nói là làm, đầu năm 2018 anh cùng 8 đoàn viên trong xã Phúc Tiến thành lập tổ hợp tác lập đề an chăn nuôi và mạnh dạn vay 95 triệu đồng vốn Quỹ quốc gia về việc làm thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Sau một thời gian, hiện đàn bò của tổ thanh niên hợp tác Phúc Tiến đã phát triển lên 28 con, cùng với đó là đàn dê khoảng 150 con. Ngoài ra, anh em  thanh niên trong tổ còn được các kỹ sư khuyến nông huyện tư vấn phát triển mô hình trồng rau sạch, rau an toàn.

Năm tới, anh Bịnh cho biết, sẽ triển khai mô hình nuôi dế thương phẩm với nguồn vốn dự kiến khoảng 200 triệu đồng. Từ “khởi nghiệp” của anh, nhiều đoàn viên trong và ngoài xã đã tìm đến học tập, được Huyện đoàn Kỳ Sơn cũng như  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình  ủng hộ, khích lệ và tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi.

Đàn bò thuộc tổ HXT của 8 đoàn viên thanh niên xã Phúc Tiến.

 

Cùng với mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi của anh Đinh Công Bịnh, tại Hòa Bình còn nhiều mô hình khác của thanh niên thành công từ nguồn vốn vay. Điển hình như mô hình sản xuất trà túi lọc cà gai leo của chị Nguyễn Thùy Linh, (thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy). Ngoài khoản thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng/năm, chị còn tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho hơn chục lao động là thanh niên tại địa phương.

Hay anh Bùi Văn Huế (xã Chí Thiện, huyện Lạc Sơn), nhờ được vay vốn từ 120 đã có thêm kinh phí để mua sắm máy móc, mở rộng cơ sở âp trứng gia cầm và sản xuất gà ri đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện. Không chỉ tạo việc làm cho gia đình, anh còn thuê thêm từ 4-5 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.

Anh Bùi Quốc Hoàn, Phó Bí thư  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình biết, phong trào “khởi nghiệp” của đoàn viên thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, cổ vũ.

 “Mong muốn của các bạn trẻ là được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, do đó Tỉnh đoàn luôn tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên được vay vốn. Tỉnh đoàn đã tích cực chỉ đạo về định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay, tổ chức thẩm định các dự án đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng vay vốn. Đồng thời, giám sát tình hình thực hiện vốn vay của đoàn cơ sở; phối hợp với các ngành tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai nguồn vốn ở địa phương...”- anh Hoàn cho biết.

Trong công tác huy động nguồn vốn vay cho thanh niên, Tỉnh đoàn  Hòa Bình đã có những chỉ đạo tốt từ khâu thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn, vì vậy nguồn vốn vay cho thanh niên địa phương không ngừng tăng qua các năm. Nếu như năm 2009 tổng số dư nợ uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội  do Đoàn thanh niên tỉnh quản lý là 138 tỷ đồng thì đến hết tháng 10/2018, tổng dư nợ đã lên tới 690 tỷ đồng với 24.172 hộ tham gia trong 663 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm là 17,5 tỷ đồng, vốn vay học sinh sinh viên là 45,2 tỷ đồng, vay xuất khẩu lao động là 430 triệu đồng. 

“Hiện nay, tổng dư nợ vốn 120 kênh Trung ương Đoàn tại Hòa Bình đạt 1,402 tỷ đồng với 28 dự án vay vốn phát triển kinh tế của thanh niên. Tổng dư nợ tuy chưa nhiều, nhưng các mô hình được hỗ trợ đều phát triển bền vững, qua đó, đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động là thanh niên nông thôn với thu nhập ổn định từ 3,5- 4 triệu đồng/tháng ” - anh Bùi Quốc Hoàn nói.  

Anh Bùi Văn Hiền, dân tộc Mường, đội 3 xã Đông Phong, huyện Cao Phong, đầu tư trồng bưởi da xanh từ năm 2014  trên diện tích 5.000m2, cho thu nhập cao.

 

Theo đánh giá của Tỉnh đoàn Hòa Bình, thông qua nguồn vốn 120 đã góp phần giúp nhiều tổ nhóm thanh niên khắc phục tình trạng thiếu vốn để sản xuất. Số vốn vay tuy không nhiều, nhưng bước đầu đã hỗ trợ, tạo đà cho các đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế. Hiện nay, hầu hết các dự án sản xuất do thanh niên làm chủ đều phát huy hiệu quả và phát triển ổn định theo hướng bền vững, sau vài năm đã hoàn trả lại được vốn vay. Thông qua đó, nguồn vốn được quay vòng, tiếp tục hỗ trợ cho các dự án sản xuất mới, giúp thêm nhiều thanh niên nông thôn có công ăn việc làm, tích lũy kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ.

“Gỡ khó” để thanh niên tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn

Trao đổi với phóng viên về hiệu quả nguồn vốn cho vay tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức Hội, đoàn thể chính trị khác, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình cho biết, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, do đó cùng với nguồn lực sẵn có, tiếp cận được với các nguồn vốn vốn ưu đãi để tạo cơ hội cho người dân, các hộ gia đình tự tạo việc làm là hết sức quan trọng đối với người dân địa bàn.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Cường, trong những năm gần đây,  UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TBXH phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc triển khai chính sách cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Mỗi năm, thông qua nguồn vốn này đã tạo việc làm thêm cho 1.500 lao động, chiếm khoảng 8% số lao động được tạo việc làm mới trên địa bàn toàn tỉnh. Nguồn vốn vay hiện nay thông qua Quỹ là 60 tỷ đồng và nguồn vốn của UBND tỉnh ủy thác qua NHCSXH là gần 30 tỷ đồng.

“Việc tiếp cận và phát huy được những nguồn vốn của Chính sách xã hội đối với người dân cũng như thanh niên địa phương, đã đem lại hiệu quả kinh tế như các dự án trồng cây có múi ở Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; nuôi cá lòng hồ ở Đà Bắc, Tân Lạc; chăn nuôi gia súc, trồng cây dược liệu ở Yên Thủy, Mai Châu...Góp phần giải quyết việc làm cho người lao động đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn như khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình, nơi có điều kiện sinh kế hết sức khó khăn. Sự phối hợp giữa ngành LĐ-TB&XH với Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, phụ nữ... đã đạt được hiệu quả cao” - ông Nguyễn Đức Cường khẳng định.

Cán bộ phòng LĐ-TB&XH thăm vườn cam của chị Nguyễn Thị Minh – Khu 2 thị trấn Cao Phong.

 

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH Hòa Bình, nguồn vốn hiện nay vẫn còn hạn hẹp so với nhu cầu. Ví dụ năm 2018, theo khảo sát, các dự án có nhu cầu vay đến gần 30.000 tỷ đồng để giải quyết việc làm nhưng số vốn cấp mới thông qua việc thu hồi vốn của các dự án ở các chu kỳ trước mới ở khoảng 8 tỷ đồng. Đây cũng là khó khăn trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế.

Ông Nguyễn Đức Cường bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn với nguồn Quỹ quốc gia về việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, cũng như các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho Hòa Bình có nguồn vốn dồi dào hơn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, cũng là để đáp ứng nhu cầu của số đông đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những người dân ở lòng hồ đã hy sinh nhà cửa ruộng vườn cho công trình thủy điện của Tổ quốc”.

Lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình cho biết, rất nhiều thanh niên nông thôn và khu vực thị trấn các huyện, thị có nguyện vọng khởi nghiệp, nhưng khó khăn khi tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Đối với chương trình vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm qua kênh Trung ương Đoàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh do đoàn viên, hội viên thanh niên, hộ gia đình trẻ kinh doanh cá thể làm chủ được vay tối đa không quá 1 tỷ/dự án và không quá 50 triệu đồng/1 lao động khi tạo việc làm mới, nhưng điều kiện vay là phải có tài sản thế chấp cao hơn giá trị vốn vay nên đã gây khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn này.

Anh Đinh Công Bịnh thừa nhận, số lượng đoàn viên trong xã hiện là 160 người, trong đó số có nhu cầu vay vốn hiện nay là rất lớn,  nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguyên nhân do họ không có tài sản thế chấp. Do đó, bản thân anh mong muốn các đoàn viên thanh niên của xã có thể được tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, phong phú hơn, từ đó tạo động lực để các bạn trẻ khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh