Hiệu quả của doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo nghề trong xử lý nước thải tại Việt Nam
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:08 - 25/11/2016
Các học phần lý thuyết và thực hành được chia thành các giai đoạn đào tạo kết hợp tại trường nghề và doanh nghiệp đối tác trong suốt ba năm (ảnh: GIZ)
Trong đào tạo nghề chính quy, sự tham gia chủ động của khối doanh nghiệp vào đào tạo nghề đóng vai trò cốt yếu trong việc đổi mới đào tạo nghề theo hướng bám sát thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, qua đó đảm bảo cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Chương trình đào tạo chính quy nghề ‘Kỹ thuật viên Thoát nước và Xử lý nước thải’ là chương trình đầu tiên triển khai thành công mô hình đào tạo hợp tác giữa một trường nghề, hiệp hội ngành và khối doanh nghiệp khi cùng nhau xây dựng và thực hiện một chương trình đào tạo nghề.
Được biết, từ tháng 11/2015, chương trình đào tạo thí điểm nghề ‘Kỹ thuật viên Thoát nước và Xử lý nước thải’ (XLNT) định hướng theo tiêu chuẩn Đức với 22 sinh viên được đồng triển khai bởi Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II và năm doanh nghiệp thoát và xử lý nước thải tại TPHồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa, Cần Thơ và Bà Rịa Vũng Tàu. Học viên được trang bị kiến thức lý thuyết nền tảng tại trường nghề và thu thập kinh nghiệm làm việc thực tế qua các kỳ đào tạo tại doanh nghiệp – sự phối hợp giữa trường nghề và doanh nghiệp như vậy được xem là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công trong đào tạo nghề tại CHLB Đức.
Các giáo viên nhận chứng chỉ giảng viên của Hội cấp thoát nước Việt Nam.
Theo đại diện tổ Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết: Chương trình thí điểm này đang nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ Chương trình Hợp tác Kỹ thuật Việt-Đức ‘Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam’, triển khai bởi GIZ dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ). Nhằm đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo theo mô hình mới, từ năm 2014, đội ngũ giảng viên bao gồm 25 giáo viên trường nghề và cán bộ đào tạo của doanh nghiệp đã tham gia vào chương trình đào tạo nâng cao năng lực định hướng thực tế, bao gồm nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy do các chuyên gia Đức giàu kinh nghiệm của Hợp phần 3: Đào tạo Nghề cho Xử lý nước thải thuộc Chương trình Đổi mới Đào tạo Nghề tại Việt Nam (GIZ) thực hiện.
Đối với công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngắn hạn cho lực lượng công nhân kỹ thuật đang làm việc tại các công ty XLNT, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam đã chuyển giao cho Hội Cấp thoát nước Việt Nam bản quyền chương trình và tài liệu đào tạo của bảy khóa hoc ngắn hạn được đánh giá cao tại Đức.
Đồng thời, Chương trình còn hỗ trợ Hội CTNVN chỉnh sửa bộ tài liệu cho phù hợp với điều kiện đặc thù về kỹ thuật, khí hậu và pháp lý tại Việt Nam. Ngoài ra, vào ngày 17/11/2016 vừa qua, Hội CTNVN đã tiếp nhận 11 giảng viên trong số 25 giáo viên và cán bộ đào tạo đã tham gia chương trình chuẩn hóa của Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) nêu trên vào đội ngũ giảng viên của mình. Với sự kết hợp của đội ngũ giảng viên được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn Đức và nội dung đào tạo đã thực nghiệm thành công tại Đức trong suốt 20 năm qua, các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn do Hội CTNVN tổ chức được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng một đội ngũ công nhân kỹ thuật vững chuyên môn và thạo tay nghề để có thể thực hiện công tác vận hành đạt chuẩn, an toàn và hiệu quả.
‘Lực lượng công nhân kỹ thuật là trái tim của tất cả các doanh nghiệp trong ngành XLNT. Chúng tôi nhận định rõ ràng việc phát triển, bồi dưỡng năng lực cho nhân viên của mình là nhiệm vụ chiến lược và sẵn sàng đầu tư cho các hoạt động này. Chúng tôi rất hy vọng các khóa học chính quy và ngắn hạn theo mô hình mới sẽ giúp chúng tôi xây dựng được một lực lượng kỹ thuật viên lành nghề để làm việc trong ngành XLNT’, Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Nước – Môi Trường tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Trong tương lai gần, mô hình đào tạo hợp tác giữa trường nghề và doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng cung cấp lực lượng lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về kỹ thuật viên giỏi của các công ty trong và ngoài nước. Vì thế sự tham gia của khối doanh nghiệp vào công tác đào tạo nghề ngày càng trở nên quan trọng và thiết yếu. Chỉ khi các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn và chủ động hơn vào công tác đào tạo nghề thì mới có thể xây dựng một lực lượng công nhân kĩ thuật đáp ứng được yêu cầu thực tế của chính các doanh nghiệp, tạo ra việc làm và cuộc sống bền vững cho người lao động cũng như cơ hội để họ đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.