THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:46

Vực dậy nghề thủy sản ở nam miền Trung

 

Phát triển có trọng điểm

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, lĩnh vực thủy sản là một ngành kinh tế mũi nhọn mang tính đột phá của tỉnh Phú Yên. Sau sự cố ô nhiễm môi trường và biến đổi thời tiết khiến cá nuôi lẫn cá tự nhiên chết hàng loạt trong mấy tháng vừa qua, ngành này hiện đang có xu hướng phục hồi, giá trị sản xuất ước đạt trên 3000 tỉ đồng trong năm 2016 này. Ngành thủy sản đã trực tiếp giải quyết việc làm hàng chục ngàn lao động ở Phú Yên. Để vực dậy ngành này, Phú Yên đang triển khai lập quy hoạch khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá vùng ven biển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời đang lập quy hoạch chi tiết khu đất đầu tư xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ, chợ đầu mối. Cùng với đó đẩy manh công tác xuất khẩu để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã kịp thời ban hành văn bản số 2350/QĐ-UBND về việc hành động để phát triển nghề thủy sản Phú Yên. Duy trì tốc độ tăng trƣởng cao, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.

                                                         Các khu vực nuôi trồng và đánh bắt sẽ được quy hoạch có trọng điểm

 

Tại Bình Định, sau khi có trên 1.000 tấn cá chết bất thường trong các đợt biến đổi thời tiết vừa qua thì UBND tỉnh cũng đã kịp thời kết hợp cùng các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh tìm ra giải pháp phát triển có trọng điểm. Theo đó sẽ quy hoạch 3 chợ đầu mối, 4 cảng sản suất chung chuyển các sản phẩm thủy sản. Phát triển tập chung ở nhiều địa bàn có lợi thế về ngành nghề thủy sản như; Mỹ Châu, hồ Đồng Đèo 1, hộ Đồng Đèo 2 và hồ Hóc Lách…Cùng với đó, xây dựng mới cảng cá 2 đầm Đề Gi tại Vĩnh Lợi, huyện Phù Mỹ; đầu tư xây dựng cảng cá Tam Quan, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn; xây dựng mới và nâng cấp các cơ sở đóng tàu thuyền có khả năng sửa chữa, bảo trì các loại tàu sắt và đóng tàu dài đến 30 m và công suất đến 1200 CV, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão khu vực đầm Đề Gi, Tam Quan. Các nhà máy sơ chế thủy sản cũng sẽ được đầu tư quy mô lớn.

Tại tỉnh Khánh Hòa, nghề thủy sản cũng được đẩy mạnh lên thành ngành nghề chiến lực của tính. Sau khi thiệt hại ước tính lên đến trên 200 tỉ đồng vì cá chết bất thường trong mùa hè vừa qua thì Khánh Hòa đã kịp thời quy hoạch có trạng điểm phát triển nghề thủy sản theo quy trình VietGap. Đồng thời khảo sát kỹ các khu vực các loại thủy sản có thể thích nghi với các sự cố môi trường để nuôi tập trung như Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh. Cùng với đó tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa người nuôi với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý để khắc phục và chặn đứng các sự cố khi có nguy cơ nổ ra. Với cách làm này, nghề thủy sản Khánh Hòa đang từng bước được vực dậy.

 

                                                Các khu vực nuôi trồng thủy sản sẽ được liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp

 

Hướng đến sự bền vững

Sau khi quy hoạch có trọng điểm, để nghề thủy sản luôn giữ được sự phát triển vững chắc, tránh sự xáo trộn và phấp phỏng cho hàng triệu lao động đang làm việc trong nghề thủy sản thì các tỉnh nam trung Bộ đã đưa ra các chỉ tiêu cần nỗ lực đạt được để tiến đến sự phát triển bền vững. UBND tỉnh Bình Định đưa ra mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản bình quân đạt 7 - 7,5%/ năm; cơ cấu giá trị sản xuất: khai thác thủy sản chiếm 80%, nuôi trồng thủy sản chiếm 15% và dịch vụ thủy sản chiếm 5%; sản lượng khai thác thủy sản đạt 185.000 tấn; giảm tổn thất sản phẩm sau khai thác hải sản xuống dưới 10%; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng bình quân 10%/năm; tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng đạt 60 - 70%. Cuộc sống của trên 30.000 lao động nghề thủy sản ổn định, khấm khá.

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Sinh, ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng khẳng định, lao động làm việc trong nghề thủy sản ở Phú Yên rất đông đảo. Muốn nâng cao đời sống của các lao động này không còn cách nào khác là phải quyết liệt thực hiện bằng được các chỉ tiêu phát triển thủy sản. Dù có thách thức cũng phải vượt qua. Phú Yên đặt ra chỉ tiêu từ năm 2017, nâng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng lên 60 - 70% (hiện tại ước tính khoảng 40-50%) so với tổng sản lượng thủy sản chế biến. Phấn đấu đến năm 2020 tổng năng lực chế biến thủy sản đạt 50.000 tấn sản phẩm/năm. Tăng thu nhập người lao động năm 2020 lên gấp 2,5 lần so với hiện nay.

          

                                           Các doanh nghiệp cam kết nâng tầm giá trị sản phẩm để nâng giá thu mua cho người dân        

 

Tại tỉnh Khánh Hòa, hàng loạt công ty thủy sản lớn cũng đã liên kết chặt chẽ với hàng ngàn trại nuôi thủy sản và các đơn vị đánh bắt thủy sản. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17, ông Huỳnh Long Quân, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, sau những khó khăn chúng tôi là công ty thủy sản lớn nhất khu vực nam trung Bộ nên đã tiên phong cam kết hỗ trợ và thu mua với giá ổn định các sản phẩm thủy sản trong địa bàn tỉnh. Đồng thời cũng đã liên tục giám sát và trực tiếp chuyển giao kỹ thuật đến các lao động trong nghề thủy sản. Từ đầu năm 2016 đến nay, sản lượng thủy sản xuất khẩu của công ty là gần 3.500 tấn, trị giá trên 25 triệu USD. Với cách làm này, doanh nghiệp này hy vọng sẽ sát cánh cùng người lao động và chính quyền để phát triển bền vững nghề thủy sản. 

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh